No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến lược phát triển kinh tế biển
Lượt xem: 774




ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN




Trên boong tàu hải quân, đại tướng khẳng định quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng biển, hải đảo của tổ quốc. Bên cạnh đại tướng gồm có thiếu tướng Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bộ Công an và đại tá Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh hải quân tháp tùng đại tướng đi kiểm tra vùng biển Quảng Ninh sau chiến dịch rà phá thủy lôi thành công (tháng 3/1973).


Ảnh:Tá Lâm (soha.vn)




Đại tướng Võ Nguyên Giáp-nhà quân sự lỗi lạc, một vị tướng huyền thoại, người được Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh vinh danh là một trong 10 vị tướng xuất sắc nhất mọi thời đại. Đại tướng không chỉ là vị Tổng tư lệnh tài ba trên chiến trường, mà còn am hiểu rất sâu sắc về tầm quan trọng của biển đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và quốc phòng của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 110 ngày sinh Đại tướng, xin gửi đến bạn đọc bài viết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến lược phát triển kinh tế biển”.

Đầu năm 1975, ngay sau khi Buôn Mê Thuột được giải phóng, với nhãn quan của một nhà chiến lược quân sự thiên tài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhìn ra thời cơ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mà việc đầu tiên ông nghĩ đến đó là giải phóng các đảo trên biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo do chính quyền Sài Gòn chiếm giữ”. Với mệnh lệnh “Không cho bất cứ kẻ nào xâm chiếm Trường Sa” , ngày 14-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh cho lực lượng Hải quân tấn công các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ, đến ngày 29-4-1975, các đảo được hoàn toàn giải phóng.

Sau khi đất nước được thống nhất, trên cương vị mới-Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, việc đầu tiên Đại tướng làm là đánh giá toàn diện, cụ thể về “chiến lược biển” gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Trong Hội thảo khoa học về biển đảo diễn ra vào tháng 2-1977 tại Nha Trang, trước những ý kiến khác nhau của các nhà khoa học về vai trò, tiềm năng của biển đối với sự phát triển của đất nước, Đại tướng nói: Việt Nam chúng ta có một vùng biển rộng lớn, điều đó có một ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và an ninh- quốc phòng. Đại tướng nhấn mạnh “trên thế giới có những nước không có biển, đó là một điều thiệt thòi lớn”. Đặc biệt trong những năm gần đây thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dân số, an ninh lương thực, tài nguyên, nguồn nguyên liệu. Các nước đang dần dịch chuyển từ đất liền hướng ra biển và coi trọng những tiềm năng ở biển và đại dương đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, hướng biển đang là xu hướng chung của toàn nhân loại. Do đó, muốn xây dựng nền kinh tế đất nước thì nhất thiết phải coi trọng biển và khoa học kỹ thuật về biển.

Trong chiến lược về kinh tế biển, lần đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra khái niệm nền kinh tế miền biển, theo Đại tướng: Nền kinh tế biển không chỉ đơn thuần là đánh cá, mà phát triển toàn diện, bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau, chúng có quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau phát triển. Kinh tế miền biển vừa có kinh tế trung ương vừa có kinh tế địa phương. Nền kinh tế biển phải từ đất liền mà ra, dựa vào vùng ven biển ở đất liền mà phát triển, từ đất liền phát triển ra các đảo, tùy vào điều kiện tự nhiên mỗi vùng mà phát triển sao cho phù hợp.

Trong nền kinh tế miền biển, Đại tướng đưa ra hướng; liệu có một nền nông nghiệp dưới nước hay không? Ông giải thích: kinh tế miền biển trước hết là đánh cá, nó là một nghề lâu đời cần phải phát huy. Nhưng nghề đánh cá cho dù có phát triển tới đâu thì xét tính chất của nó, nghề cá vẫn là “săn bắt và hái lượm”, thế cho nên từ đánh bắt phải tiến lên chăn nuôi. Nghề vớt rong biển một cách tự nhiên cũng phải chuyển thành gây và trồng rong biển. Chuyển từ khai thác hải sản bằng cách đánh bắt tự nhiên phát triển thành chăn nuôi và trồng trọt, thế là xuất hiện nghề chăn nuôi và trồng trọt trên biển. Đó là cơ sở hình thành nền nông nghiệp dưới nước, tất nhiên chăn nuôi không phải là không đánh bắt. Đại tướng nói “phải chăng rồi đây trên biển cả, có những vùng mà việc đánh bắt chiếm ưu thế như vùng biển xa ngoài đại dương, trong khi đó ở những vùng biển ven bờ việc chăn nuôi và trồng trọt sẽ là một xu hướng phát triển rất mạnh? Ta phải suy nghĩ vấn đề đó.” (1)

Kinh tế miền biển ngoài khu vực “nông nghiệp ở dưới nước” ra nhất thiết phải có khu nông nghiệp trên đất liền, nông nghiệp ở mảnh đất ven biển và các đảo. Đại tướng cho rằng: bao giờ chúng ta cũng phải dựa vào một mảnh đất trên đất liền để tiến công ra biển cả. Tùy vào điều kiện mỗi vùng mà chọn giống cây trồng vật nuôi cho phù hợp. Do điều kiện giao thông thuận lợi nên nền nông nghiệp ven biển có tính hàng hóa cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, nếu trồng trọt và chăn nuôi ở ven biển thì sẽ giảm chi phí lưu thông rất nhiều.

Đã có ngành nông nghiệp trồng trọt ven biển thì ít nhiều cũng có ngành lâm nghiệp ven biển. Điều này nhiều khi chúng ta cũng ít nghĩ tới, bởi vì từ lâu trong tâm niệm của chúng ta, rừng bao giờ cũng đi đôi với núi. Nhưng về nhiều phương diện, sản xuất và đời sống vùng biển, đặc biệt là nghề trồng trọt không thể phát triển tốt được nếu thiếu nghề trồng rừng ven biển. Nếu chúng ta không chặn được bước tiến của các núi cát đó, không tìm cách chắn gió thì các vị trí bàn đạp ven biển để tiến công ra biển cũng sẽ gặp khó khăn.

Biển là một địa bàn rất thuận lợi cho giao thông, bởi vậy, ngay từ xưa nghề hàng hải bao giờ cũng là thành phần đặc trưng của kinh tế miền biển. Nhiều dân tộc nhờ hàng hải mà phát triển nhanh, tiến lên trình độ văn minh sớm hơn các dân tộc khác. Có hàng hải biển gần và có hằng hải biển xa, hằng hải vượt đại dương. Đối với nước ta, trong giai đoạn hiện nay, hàng hải biển gần, hàng hải ven bờ quan trọng lắm. Đại tướng lấy ví dụ: “Các đồng chí đều biết một nhân tố quan trọng giúp Nhật Bản phát triển kinh tế cạnh tranh với các nước là do Nhật Bản là một hòn đảo. Cho nên Nhật Bản đã lợi dụng được giao thông ven biển, là lối giao thông rất tiện và rẻ tiền”. Nước ta có bờ biển từ Nam chí Bắc, phải hết sức lợi dụng ưu thế này. Nước Việt Nam phải là một nước có ngành hàng hải mạnh, trước hết là hàng hải ven biển đi từ tỉnh này tới tỉnh kia, từ huyện này tới huyện kia, rồi vươn ra đại dương, góp phần của mình cùng với các nước nghiên cứu và khai thác đại dương. Muốn phát triển hàng hải đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng phát triển: bến cảng, kho hàng, nơi cơ trú, sửa chữa, cung cấp nhiên liệu. Như vậy cần phải có một ngành xây dựng cơ bản kinh tế miền biển. Và người Việt Nam cũng phải tiến lên làm chủ khoa học, xây dựng các công trình sử dụng năng lượng thủy triều… những trung tâm kinh tế, công nghiệp và thương nghiệp phải mọc lên.

Kinh tế miền biển không thể phát triển một cách mạnh mẽ, nghề đánh cá và hàng hải không thể hiện đại hóa nhanh chóng nếu không được nền đại công nghiệp cơ khí trang bị cho kỹ thuật mới. Nói một cách nghiêm túc hơn, việc chúng ta rồi đây có thể khai thác hiệu quả hơn, tức là “thâm canh” vùng biển của chúng ta hoặc có thể vươn ra tới đại dương, trở thành một quốc gia có ưu thế nhất định trên đại dương phụ thuộc phần lớn vào khả năng công nghiệp nặng của chúng ta. Dĩ nhiên không có một nền công nghiệp biệt lập, trong nền công nghiệp, cả công nhiệp nặng và nền công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm nhất định sẽ hình thành một bộ phận quan hệ trực tiếp với nền kinh tế biển. Mối quan hệ này mật thiết tới mức có thể coi chúng là những thành phần bên trong của nền kinh tế biển. Ngay địa điểm đặt các xí nghiệp công nghiệp ấy cũng nên đặt ở ven biển. Đặc biệt là công nghiệp cơ khí, công nghiệp đóng tàu, sản xuất và sửa chữa các phương tiện đi biển.

Ngoài ra còn có công nghiệp khai thác khoáng sản và dầu khí, năng lượng ở biển. Đại tướng nói cái này còn có thể là xa xôi, bởi vì nói chung khai thác khoáng sản, trong nước biển, ở thềm lục địa khó hơn, đắt hơn ở trên đất liền, đòi hỏi một trình độ kỹ thuật cao hơn. Tuy nhiên, việc khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam đã là chuyện trước mắt rồi, nhưng việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra nghiên cứu. Độ chênh lệch thủy triều ở nước ta chứa đựng một tiềm lực quan trọng về năng lượng là rất quý. “Có thể có những kiểu máy điện thủy triều với các quy mô được không? Các đồng chí vật lý biển của ta cần phải trả lời vấn đề này” (2).

Muốn xây dựng được nền kinh tế miền biển phát triển một cách toàn diện, trước hết phải đưa dân ra biển, phải nghiên cứu và giải quyết cái ăn, cái mặc, sức khỏe cho dân, tạo điều kiện một cách tốt nhất để cho dân ra biển. Chúng ta chỉ mới quan tâm tới đưa dân lên những vùng rừng núi hoặc những vùng đất đai chưa khai phá, mà quên mất ta còn một vùng đất đai rất giàu có là vùng ven biển, thềm lục địa và bản thân biển Đông của chúng ta. Vấn đề đưa dân ra biển là cực kỳ quan trọng, bởi nó không những khai phá được hết tiềm năng của đất nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển, mà còn góp phần phân bố lại dân cư một cách đồng đều trên cả nước.

Biển Đông không những có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế mà còn cả về quốc phòng. Đại tướng nói: do lịch sử nước ta luôn luôn chịu sự tác động của quy luật xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ đất nước. Kẻ địch từ xưa vẫn thường xâm lược nước ta từ biển; ngày nay chúng vẫn đang hướng từ biển để phá hoại ta. Nếu chiến tranh xâm lược xảy ra, hướng tiến công từ biển của chúng vẫn là hướng mà ta phải hết sức đề phòng. Do đó, chúng ta không những phải xây dựng một nền kinh tế biển phát triển mạnh mà còn phải xây dựng một lực lượng Hải quân mạnh. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn chưa thể xây dựng được một lực lượng hải quân mạnh, Đại tướng đề nghị: xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển, một trong những cách hiệu quả nhất là kết hợp kinh tế với quốc phòng trên biển. Thí dụ các hạm đội quân sự đồng thời làm đội đánh cá; ngược lại các đội tàu vận tải đánh cá của ta ít nhiều đều làm nhiệm vụ quân sự.

Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa rồi đây phải là một nước giàu mạnh cả trên đất liền và trên biển, muốn làm được điều đó chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về biển và áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế biển. Đại tướng nhắc nhở các nhà khoa học cần phải loại bỏ ngay những tư duy chỉ thực sự coi trọng biển khi nó giàu có về tài nguyên khoáng sản, nguồn sinh vật, còn không thì có thể ít chú trọng. Đại tướng phê phán, đó là những suy nghĩ sai trái, có hại cần phải được loại bỏ. Nghiên cứu không phải là để thỏa sức tò mò mà phải áp dụng được vào thực tiễn. Đại tướng lấy ví dụ: Nghiên cứu từng đặc điểm, điều kiện tự nhiên của mỗi vùng xem vùng biển đó có những điều kiện vật lý, nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng, rồi áp suất sóng, thủy động lực dòng chảy như thế nào để kết luận xem nuôi được cá gì là thích hợp nhất. Hay chúng ta nghiên cứu đưa ra bản đồ về bãi cá để thuận tiện đánh bắt, nghiên cứu về độ sâu của thềm lục địa xem có làm nhà dưới biển được không? Các nguồn tài nguyên khoáng sản ở dưới biển để khai thác. Đại tướng đề nghị chúng ta nên xây dựng các trung tâm nghiên cứu biển đảo không những ở trung ương mà còn cả ở địa phương, cơ sở. Chúng ta phải hết sức coi trọng việc đào tạo, tập hợp, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và sử dụng có hiệu quả nguồn cán bộ tùy vào năng lực quản lý, năng lực nghiên cứu của mỗi người mà phân công công việc cho hợp lý.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế biển, ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp đến ngày 9-2-2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã thông qua nghị quyết số 09 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và mới đây nhất, ngày 22-10-2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện nay, kinh tế biển đang đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Kinh tế biển nước ta đang phát triển toàn diện từ từ nông-lâm-ngư nghiệp đến công nghiệp-khai khoáng và du lịch... Tính đến thời điểm hiện tại cả nước có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845.000 ha; có 330 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65.900 ha.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển gồm: Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh đến Ninh Bình); vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa-Bình Thuận); vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa-Vũng Tàu-Thành phố Hồ Chí Minh); vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang-Kiên Giang).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư duy của một nhà chiến lược lớn, đã phác thảo cấu trúc nền kinh tế biển một cách toàn diện đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và quốc phòng-an ninh của đất nước. Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng những tuy duy của Đại tướng vẫn như ngọn hải đăng soi sáng cho tương lai đất nước, đặc biệt hơn trong thời điểm hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua phấn đấu từ nay đến năm 2045, nước ta trở thành một nước phát triển, mà kinh tế biển đang đóng một vai trò chủ đạo trong sự phát triển đó.

Bùi Trung Kiên

(Tổng hợp và biên soạn)


Chú thích:

(1) Dương Phong (2013). Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại của nhân loại, Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội, trang 388.


(2) Dương Phong (2013). Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại của nhân loại, Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội, trang 390.


Thông tin doanh nghiệp
  • Xây dựng mô hình “Bản du lịch xanh” trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La
  • Sơn La trong Chiến dịch Thượng Lào 1953
  • Hội thảo khoa học Mối quan hệ giữa trồng cây ăn quả với nghề nuôi ong mật trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi tin rằng trong tương lai chắc sẽ có đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ” ​
  • Liên hiệp Hội Sơn La: Gặp mặt kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5
  • Thư chúc mừng của Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày KH&CN Việt Nam
  • Chi bộ Cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La tổ chức Lễ Trao Huy hiệu Đảng
  • Đại hội Công đoàn cơ sở Cơ quan Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La, nhiệm kỳ 2023-2028
  • Các loại hệ thống quản lý tri thức
  • Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
  • Nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên ​
  • Quan hệ Việt Nam – Cuba: Hình mẫu của quan hệ quốc tế
  • Cuộc tản cư của đồng bào Sơn La trong kháng chiến chống Pháp (1947 – 1953)
  • Đẩy mạnh tuyên truyền tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La - năm 2023
  • Chỉ số CCHC và Chỉ số Hài lòng Sipas 2022 của tỉnh Sơn La
  • Kinh nghiệm sử dụng lãnh đạo chuyển đổi trong doanh nghiệp
  • Nhà ngục Sơn La- Di tích lịch sử đặc biệt
  • PAPI năm 2022 của Tỉnh Sơn La
  • Hội thảo khoa học “Chiến thắng thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” ​
  • PCI năm 2022 của tỉnh Sơn La
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 17
    • Hôm nay: 557
    • Trong tuần: 9 416
    • Tất cả: 13405458
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này