Có
hay không việc Ông Lò Văn San tham gia hoạt động trước cách mạng tháng 8/1945?
Ông Lò Văn San, sinh ngày 17/3/1911 tại Bản Cọ, Châu
Mường La (nay thuộc phường Chiềng An, Thành phố Sơn La). Ông là Đại biểu
Quốc hội khóa I (1946 – 1960), khóa II (1960 – 1964), Giám đốc Sở giáo dục Khu
tự trị Thái – Mèo (1955 – 1957). Trong thời gian làm giáo học ở tỉnh lỵ Sơn La
từ năm 1932 đến trước ngày 26-8-1945, Ông Lò Văn San có tham gia hoạt động cách
mạng hay không? Để làm rõ điều này, hãy cùng đối chiếu qua một số tài liệu.
Cuốn Hồi ký cách mạng “Suối reo
năm ấy” do Nhà xuất
bản Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 1993, có ghi: “Hồi đó, khoảng tháng
4-1941, hai kíp xe bò củi chúng tôi thường lấy củi ở khu rừng bản Lầu, nằm giữa
đường cái đá đi từ thị xã Sơn La đến thị trấn Mường La. Trưa nào cũng vậy, hai
xe bò củi, mỗi xe do hai người kéo, ba người đẩy, lên đến đầu dốc hãng ô tô
Phê-ri-e lại nghỉ độ 20-30 phút trước khi kéo thêm chặng đường cuối cùng về đến
cổng nhà tù…
Tuy
không hẹn mà cũng đúng vào thời gian này, 5-6 em học sinh trường tiểu học Thị
xã, nhà ở mấy bản quanh thị trấn Mường La chạy một mạch về đến đây ngồi nghỉ
bên vệ đường, cũng có hôm chúng tôi lên đến đầu dốc đã gặp các em ngồi đây rồi.
(…) Chúng tôi cũng có lúc thắc mắc hỏi thật các em: Các anh là những người tù
(…) các em không sợ nói chuyện với các anh ư? Ngộ nhỡ mấy thằng Tây biết, chúng
bắt các em giam vào nhà tù như các anh thì sao (…) Chúng em biết rồi, có em trả
lời: thầy Lò Văn San đã nhiều lần nói cho chúng em biết: Các anh không phải là
tù ăn cướp, ăm trộm đâu, các anh là những người vì yêu nước mà bị Tây bắt vào
tù, bắt đi đày. Trong các anh có nhiều người tài giỏi, hiểu biết rộng, có khi
còn giỏi hơn cả thầy giáo chúng em”(1) .
Cuốn
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La tập I (1939-1945), Nhà xuất bản chính trị Quốc gia
xuất bản năm 2002, trang 101 ghi: “Ngày
26/8/1945, hàng ngàn quần chúng nhân dân ở xung quanh tỉnh lỵ kéo về đồi Khau Cả
dự cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức. Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh được
thành lập cùng với Ban Cán sự Mặt trận Việt Minh tỉnh ra mắt đồng bào. Ủy ban
cách mạng lâm thời do ông Cầm Văn Dung làm Chủ tịch, đồng chí Chu Văn Thịnh làm
Phó chủ tịch và một số ủy viên”. Cũng cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La
tập I, trang 113 ghi: “Ngày 09/10/1945, Ủy ban cách mạng tỉnh Sơn La được lập
lại gồm ông Cầm Văn Dung làm Chủ tịch, Sa Văn Minh làm Phó Chủ tịch; Lò Văn
San, Bế Văn Điềm, Bạc Cầm Khang - ủy viên”.
Trong
bản đóng góp ý kiến vào dự thảo lịch sử “Cách mạng tháng Tám-1945 ở Sơn La”
của ông Nguyễn Phúc (thành viên của Ban lãnh đạo khởi nghĩa) cho biết
thêm thông tin: “Có một tư liệu chưa thấy nêu lên trong lịch sử cách mạng ở
Sơn La đó là sau khi tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (5-1941) do đồng chí Trần
Đăng Ninh truyền đạt (đầu năm 1942) cho Chi bộ nhà tù thì tổ chức nhà tù Sơn La
đã bí mật chỉ đạo đồng chí Bế Nhật Huấn tuyên truyền, giáo dục và sàng lọc, chọn
một số trong giới công chức nhỏ thuộc các cơ quan hành chính của Pháp ở tỉnh lỵ
Sơn La thành lập tổ Việt Minh đầu tiên ở Sơn La. Đợt thứ nhất vào tháng 7-1942
kết nạp 7 người là: Bế Nhật Huấn, Nguyễn Tử Du, Cầm Văn Minh là những phán sự
tòa sứ tỉnh Sơn La. Chu Văn Thịnh, Quàng Văn Đức là Y tá công nhật ở bệnh viện
tỉnh lỵ; Nguyễn Phúc, giáo viên công nhật ở trường Tiểu học Sơn La, Nguyễn Văn
Thành, công nhân nhà máy điện tỉnh. Đến tháng 9-1942, tổ Việt Minh phát triển
thêm Cầm Văn Inh, y tá bệnh viện tỉnh, Nguyễn Văn Hùng, công nhân nhà máy điện,
bếp Bình, bếp trưởng của chánh sứ Pháp, Nguyễn Văn Hậu, thư ký sở lục lộ, Tòng
Lanh, thanh niên học sinh… Song song với sự kiện trên, tại trại lính khố xanh tỉnh,
Hội Binh sỹ yêu nước cũng được thành lập… tất cả hai tổ chức nói trên được sinh
hoạt theo tôn chỉ, mục đích, điều lệ của Mặt trận Việt Minh. Riêng hoạt động
thì nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc đơn tuyến để bảo vệ cho tổ chức và cá
nhân”.
Mặc
dù trong tài liệu trên không nhắc đến tên ông Lò Văn San, nhưng đối chiếu với
các thành viên đầu tiên được kết vào Mặt trận Việt Minh ở Sơn La khi đó, có thể
thấy ông Lò Văn San là đối tượng hết sức phù hợp để Chi bộ nhà tù giác ngộ và
giao nhiệm vụ tuyên truyền các mạng. Trên thực tế, trong danh sách 28 binh lính
và công chức được Chi bộ Nhà tù Sơn La giác ngộ, do đồng chí Lê Trung Toản (nguyên
cựu tù chính trị nhà tù Sơn La, đặc phái viên Chính phủ tại Sơn La) cung cấp,
có ông tên Lò Văn San xếp thứ tự số 15 trong danh sách.
Một
căn cứ quan trọng khác để xác minh việc ông Lò Văn San hoạt động cách mạng trước
ngày 26/8/1945 là giấy xác nhận viết tay của các nhân chứng lịch sử hoạt động
cùng thời với ông Lò Văn San đều công nhận và mong muốn cấp có thẩm quyền công
nhận ông Lò Văn San là cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa.
-
Giấy xác nhận thành tích tham gia hoạt động cách mạng đề ngày 10/8/2012 do ông
Lò Văn Sôn – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tỉnh đội trưởng Sơn La, cán bộ tiền
khởi nghĩa xác nhận: “Chứng nhận cho ông Lò Văn San theo bản tự khai của ông
Lò An Vinh (con trai ông Lò Văn San) là đúng sự thật. Tôi xin nói thêm, ông Lò
Văn San hoạt động cách mạng từ năm 1943 cùng chúng tôi ở Sơn La; ông San tham
gia cướp chính quyền ngày 26/8/1945 tại đồi Khau cả (…)”.
-
Giấy xác nhận thành tích tham gia hoạt động cách mạng đề ngày 12/8/2012, ông Lò
Văn Trực – nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Chiềng An từ năm 1947 đến 1961,
xác nhận: “Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung tự khai về quá trình hoạt động
cách mạng của ông Lò Văn San do con trai của ông kê khai. Ông Lò Văn San là một
trong số cán bộ địa phương tỉnh Sơn La đáng được hưởng chế độ khen thưởng của Đảng
và Nhà nước”.
-
Giấy xác nhận thành tích tham gia hoạt động cách mạng đề ngày 06/12/2016 do ông
Mai Vi – cựu tù chính trị nhà tù Sơn La, Phó ban liên lạc tù chính trị ở Sơn La
tại Hà Nội xác nhận: “Lúc chúng tôi ở tù Sơn La có biết ông giáo San là người
cảm tình với cách mạng. Cụ thể là đối với anh em tù chính trị ông luôn tỏ ra có
thiện cảm và thân thiện. Do hoàn cảnh lúc ấy người ngoài không dễ gì chuyện trò
và liên lạc vì để lộ đến tai bọn thống trị, nhất là tên Công sứ Cút-xô thì rất
nguy hiểm”.
Từ
các tài liệu trên, có thể thấy trường hợp ông Lò Văn San tuy chưa được ghi
trong lịch sử Đảng bộ từ cấp xã trở lên (2) về thời gian hoạt động trước cách mạng,
nhưng có thể xem là cơ sở để công nhận
ông Lò Văn San được giác ngộ, tham gia hoạt động trước cách mạng tháng 8 năm
1945 ở Sơn La. Bởi lẽ, trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa
phương, nguồn tài liệu vững chắc yếu tố quan trọng cấu thành nên nội dung cuốn
sách. Bên cạnh các tài liệu thành văn còn phải căn cứ vào lời kể của các nhân
chứng. Nguồn tài liệu “lời kể” này vẫn được coi là tài liệu sơ cấp (tài
liệu gốc) trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử.
Trong
thực tế việc biên soạn lịch sử Đảng bộ ở Sơn La, nguồn tài liệu thành văn từ
năm 1945 trở về trước hầu như không có. Việc nghiên cứu, biên soạn hầu hết đều
dựa trên lời kể hoặc hồi ký của các nhân chứng lịch sử. Một sự kiện, vấn đề lịch
sử nếu có từ 3 nhân chứng trở lên đều đồng ý tán thành thì sự kiện đó được coi
là có cơ sở vững chắc.
Mặt khác, qua đối chiếu những tư
liệu kể trên và bản lý lịch tự khai của ông Lò Văn San đều thể hiện sự lô-gic,
nhất quán và phù hợp với diễn tiến lịch sử cách mạng tỉnh Sơn La.
Căn
cứ vào những tài liệu lịch sử hiện có và quá trình hoạt động của ông Lò Văn San
sau này, có thể đánh giá: Từ những năm 1941 đến 1945, ông Lò Văn San là thầy
giáo dạy học ở tỉnh lỵ Sơn La, mặc dù
làm việc trong hệ thống giáo dục của thực dân Pháp, nhưng ông Lò Văn San đã tiếp
nhận tư tưởng tiến bộ từ các tù chính trị nhà tù Sơn La và được giác ngộ cách mạng.
Thể hiện qua những hành động, việc làm cụ
thể là tuyên truyền, giáo dục học sinh về lẽ phải, lòng yêu nước, về những người
chiến sỹ cộng sản bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La. Nhiều học sinh của ông sau này
đều tham gia hoạt động cách mạng và tham gia 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của
dân tộc (các đồng chí Cầm Văn Minh, Chu Văn Thịnh, Cầm Văn Thinh, Hoàng Nó…).
Từ chỗ được Chi bộ nhà tù giác ngộ, trở thành quần chúng trung kiên của Đảng,
tích cực tuyên truyền trong các thế hệ học sinh ở tỉnh lỵ về lý tưởng cách mạng,
trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành, xây dựng các tổ chức quần chúng của
Mặt trận Việt Minh ở tỉnh lỵ Sơn La.
Như
vậy, việc nhận định ông Lò Văn San có tham gia hoạt động trước Cách mạng tháng
Tám – 1945 và hai lần được bầu làm Ủy viên Ủy ban cách mạng (ngày 26/8/1945
và 10/10/1945), Đại biểu Quốc hội khóa I (6/1/1946) là hoàn toàn có
cơ sở, khách quan và phù hợp với thực tế lịch sử./.
Hà Ngọc Hòa
Chú thích:
(1) Hồi ức của các cựu tù chính trị nhà tù Sơn La: Lê Thanh Nghị,
Nguyễn Văn Trân, Tô Quang Đẩu, Lưu Quyên, Lê Trung Toản, trang 155, 156.