Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi tin rằng trong tương lai chắc sẽ có đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ”
Chủ tịch
Hồ Chí Minh: “Tôi tin rằng trong tương lai chắc sẽ có đại diện của thanh niên
Việt Nam bay vào vũ trụ”
Sinh
thời, Các Mác đã đoán trước: Giai cấp công nhân sẽ tiến công lên trời. Ngay sau
khi Liên Xô thực hiện chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã nhận định: “Tôi tin rằng trong tương lai chắc sẽ có đại diện của
thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ”.
Nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gherman Titov với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 21/1/1962. Ảnh tư liệu lịch sử.
Chuyến bay đầu tiên
của con người vào vũ trụ
Vào
lúc 9 giờ 7 phút ngày 12/4/1961, tàu vũ trụ Vostok 1(Phương Đông 1) của Liên Xô
cất cánh từ Sân bay vũ trụ Baikonur mang theo nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin đã
bay vào không gian. Điện về trái đất, Gagarin nói: “Từ vũ trụ, tôi không còn
nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”. Sau khi
bay một vòng quanh Trái đất, tàu vũ trụ Phương Đông hạ cánh an toàn xuống một
cánh đồng bên bờ sông Volga thuộc Liên Xô. Chuyến bay đầu tiên của con người
vào vũ trụ đã kết thúc thắng lợi.
Trên
báo Nhân Dân số 2581 ra ngày 14/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Thêm một thắng lợi vô cùng vĩ đại của chủ
nghĩa cộng sản. Bài viết có đoạn: “Trước đây độ 100 nǎm,
Các Mác đã
đoán trước:
Giai cấp công nhân
sẽ tiến công
lên trời… Ngày
nay Liên Xô lại là nước đầu tiên thành công trong việc cho người bay lên vũ
trụ, mở ra kỷ nguyên mới trong sự phát triển vĩ đại của loài người.
Thắng
lợi đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin, là thắng lợi của chủ nghĩa cộng
sản, là thắng lợi chung của phe xã hội chủ nghĩa và của toàn thể loài người.
Khoa
học Xô Viết đã chinh phục được vũ trụ.
Chủ
nghĩa cộng sản sẽ thắng lợi khắp thế giới.
Nhân
dân Việt Nam rất phấn khởi và biết ơn Liên Xô, vì thắng lợi vĩ đại của Liên Xô
anh em càng khuyến khích nhân dân Việt Nam ta ra sức thi đua để giành lấy thắng
lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện
hoà bình thống nhất nước nhà”.
Tối
ngày 15/4/1961, Đài phát thanh Moscow đã truyền đi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh
trả lời phóng viên thường trú của đài tại Hà Nội về kỳ công khoa học của Liên
Xô: “Cũng như những người cộng sản và tiến bộ khắp thế giới, tôi rất vui sướng
về thành công rực rỡ của con tàu vũ trụ Liên Xô do đồng chí Gagarin lái đã trở
về Tổ quốc Xô Viết một cách bình yên. Thành công khoa học của Liên Xô sẽ giúp
tăng thêm hạnh phúc cho loài người và củng cố hoà bình trên thế giới”.
Ngày
13/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Gagarin
vì đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ trên con tàu vệ tinh Vostok 1.
Người hy vọng học tập tấm gương anh dũng của Gagarin, trong hàng ngũ lao động
Việt Nam sẽ nảy nở nhiều anh hùng hơn nữa.
Chuyến bay đầu tiên vào
vũ trụ của người Việt Nam
Tiếp
theo chuyến bay của Gagarin, 4 tháng sau, Liên Xô lại phóng thành công tàu vũ
trụ Vostok 2 (Phương Đông 2) do Gherman Titov điều khiển trong hai ngày 6 và 7/8/1961).
Tàu vũ trụ Vostok 2 sau 25 giờ 11 phút đã bay được 17 vòng trái đất với hơn 703
nghìn cây số. Với sự kiện này, nhà du hành vũ trụ Titov đã chứng minh rằng con
người có thể sống và làm việc trong tình trạng không trọng lượng trong vũ trụ. Và
Titov là người đầu tiên thực hiện việc điều khiển con tàu bằng tay trong mọi
chế độ, là người đầu tiên trên thế giới chụp ảnh bề mặt trái đất, bầu trời, mặt
trăng và tiến hành những thí nghiệm y sinh quan trọng từ vũ trụ, liên lạc bằng
rađio...
Ngay
sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời nhà du hành vũ trụ Titov sang thăm Việt Nam.
Từ ngày 21/1/1962 đến ngày 25/1/1962, Titov đã có chuyến thăm Việt Nam.
Ngày
21/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho
Titov. Titov cũng đã tặng Người cuốn sách “700000 kilômét trong vũ trụ” kèm
theo bức chân dung mình. Trên trang đầu cuốn sánh là lưu bút của tác giả với
lời để tặng: “Kính tặng Bác Hồ với lòng biết ơn. G. Titov. 24/01/62”.
Tại
câu lạc bộ Quốc tế Hà Nội, sau khi Titov kể về tài năng, trí tuệ của các nhà
khoa học, kỹ sư, công nhân Liên Xô đã sáng tạo ra vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ,
thực hiện ước mơ từ ngàn xưa của con người là bay vào vũ trụ, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã căn dặn cán bộ khoa học và giảng dạy Việt Nam phải ra sức nghiên cứu,
học tập khoa học tiến tiến của Liên Xô, học tập tính dũng cảm, kiên cường,
khiêm tốn của Titov.
Đáp
lại tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Liên Xô chuẩn bị đào
tạo một nhóm các nhà du hành vũ trụ quốc tế từ các nước xã hội chủ nghĩa theo chương
trình Interkosmos, Titov đã đề nghị Việt Nam tham gia và đề xuất cử phi công Phạm
Tuân theo khóa huấn luyện của chương trình này.
Năm
1980, lời tiên đoán: “Tôi tin rằng trong tương lai chắc sẽ có đại diện của
thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành hiện
thực. Phạm Tuân - người Việt Nam và Châu Á đầu tiên, đã bay vào vũ trụ cùng với
nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Gorbatko. Chuyến bay lịch sử bắt đầu từ 21h33
ngày 23/7/1980 (theo giờ Moscow) từ Sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37
(Liên Hiệp 37). Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với
hai nhà du hành vũ trụ Xô viết khác. Sau đó, họ trở về Trái đất trên tàu Soyuz
36 lúc 18h15 ngày 31/7/1980.
Phạm Tuân - người Việt Nam và Châu Á đầu tiên, đã bay vào vũ trụ cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Gorbatko. Ảnh tư liệu lịch sử.
Trong
8 ngày bay ngoài vũ trụ, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko đã thực
hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo Trái đất. Hai nhà du hành vũ trụ đã tiến
hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất
vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên
lạc qua hệ Intersputnik. Trong tình trạng không trọng lượng, hai nhà du hành vũ
trụ cũng đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí
nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu… Ngoài ra, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân còn
tiến hành chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái đất.
Với
thành tích này, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân đã được trao tặng danh hiệu Anh
hùng Lao động Việt Nam, Huân chương Hồ Chí Minh. Ông cũng vinh dự trở thành một
trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên
Xô, Huân chương Lênin.
Nguyễn Văn Toàn