Hội thảo “Kĩ năng tác nghiệp về thông tin hoạt động phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong hệ thống báo chí Liên hiệp hội Việt Nam”.
HỘI THẢO
KĨ NĂNG TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Nhằm nâng cao kĩ năng tác nghiệp báo chí cho đội ngũ nhà báo, biên tập viên và những người làm công tác báo chí trong hệ thống báo chí Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, sáng ngày 25/11/2014 tại Nhà khách Thanh niên, số 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kĩ năng tác nghiệp về thông tin hoạt động phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong hệ thống báo chí Liên hiệp hội Việt Nam”.
Đại diện đội ngũ nhà báo, biên tập viên và những người làm báo của các tạp chí, báo in, báo điện tử Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam –VOVTV, trang thông tin điện tử của Liên hiệp hội (Liên hiệp hội) địa phương, các báo - tạp chí trực thuộc Liên hiệp hội Việt Nam, Khoa Báo chí Đại học KHXH&NV Hà Nội… đã đến tham dự hội thảo. Có tới 20 bài tham luận về nhiều khía cạnh của kĩ năng tác nghiệp báo chí nhất là các giải pháp nâng cao dung lượng và chất lượng thông tin phổ biến kiến thức, tư vấn, phản biện và giám định xã hội của báo chí Liên hiệp hội Việt Nam. Bên cạnh đó các đại biểu cũng thảo luận nhiều về thực hiện vai trò, chức năng phản biện xã hội của báo chí và thể hiện bản lĩnh của báo chí và nhà báo đối với phản biện xã hội. Khi phản biện báo chí và nhà báo cần có lí lẽ khoa học và giàu tinh thần xây dựng.
Hiện nay, Liên hiệp hội Việt Nam đang quản lí 197 ấn phẩm báo chí, bao gồm báo, tạp chí, đặc san, bản tin, trang tin, báo điện tử với tốc độ phát triển nhanh trên mọi loại hình, lĩnh vực khác nhau. Đây là kênh truyền tải thông tin lớn về tư vấn, phản biện và giám định xã hội, về tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.
Từ thực tế đó các đại biểu đề xuất, để hệ thống báo chí LHH Việt Nam phát triển về quy mô và chất lượng cần xây dựng quy chế quản lí thống nhất. Động viên, khuyến khích các hội thành viên thành lập, nâng cấp phát triển cơ quan báo chí của mình. Tăng số lượng bài viết mang tính chất TV-PB-GĐXH trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.
Các đại biểu kiến nghị lãnh đạo LHH Việt Nam cần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động TV-PB-GĐXH của đơn vị cho các báo thuộc hệ thống Liên hiệp hội để đăng tải, điều này giúp làm nổi chức năng TV-PB-GĐXH của Liên hiệp hội.
Báo chí trong hệ thống Liên hiệp hội cần phản ánh trung thực mang tính xây dựng, giữ gìn uy tín của báo. Khi tiếp nhận thông tin, sự phản ứng của xã hội báo chí cần đối thoại, ngay thẳng và đi đến cùng sự thật.
Quy trình tiếp nhận và xử lí thông tin cũng được các đại biểu bàn nhiều, trong đó đảm bảo việc tiếp nhận và phản hồi ý kiến của độc giả. Thực hiện tốt chức năng này cơ quan báo chí sẽ thu hút và giữ được lượng độc giả đông đảo.
Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của cộng đồng truyền thông đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Bằng nhiều cách, hoạt động phản biện có khả năngtạo ra môi trường tương tác xã hộigiữa 3 nhóm cộng đồng, đó là cộng đồng trí thức (phát hiện và lý giải vấn đề), cộng đồng truyền thông (phổ biến, chuyển tải thông tin) và cộng đồng xã hội (hưởng ứng thông tin và hình thành dư luận).