Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Trong
mọi thời đại và trong mọi xã hội rí thức luôn là nền tảng của
tiến bộ xã hội, là nhân tố duy trì, tiếp nối và pháp triển nền văn
hiến của dân tộc, của quốc gia. Trong thời đại ngày nay, giá trị của
trí thức và vai trò của đội ngũ trí thức đang được xem là một
nguồn lực đặc biệt quan trọng cho phát triển nền kinh tế trí thức
và xã hội số là một trong những chỉ số cơ bản xác định sức mạnh
cạnh tranh quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa.
Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ trí
thức trên bước đường phát triển đi lên của đất nước, nhất là trong giai đoạn
hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008, Hội nghị lần thứ Bảy,
Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định: “Trong mọi thời đại,
trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt
sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của
cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực
đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban
Chấp hành Trung ương Khóa XII về tập
trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất,
năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ đã nêu: “Hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành,
các nhà khoa học ở những lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh, đạt trình độ ngang
tầm khu vực và thế giới…”;
Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức và thu
hút nhân tài, Văn kiện Đại hội chỉ rõ: “Xây
dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu
phát triển đất nước trong tình hình mới” và “Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng
đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn
cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa
học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng.
Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện
của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.
Đối với tỉnh Sơn La, công tác xây
dựng và phát triển đội ngũ trí thức, luôn được quan tâm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển đội ngũ trí
thức vào thực tiễn, như: Nghị quyết số 09-NQ/TU Ngày 21/01/2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về
phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm
2030, trong đó xác định: “Việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ trí thức
là vấn đề cần thiết và cấp bách cho sự phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, quan tâm, chú trọng công tác đào
tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực có chất lượng và tay nghề cao
để tăng cường tiềm lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công
nghệ và khoa học...”;Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 31/12/2014 của Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh Sơn La, chỉ rõ: “ Nâng cao vai trò của trí thức và để đội ngũ trí
thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với ngành, đối với địa phương
và đất nước; có tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt trọng
trách trong thời kỳ mới”. Báo cáo 337-BC/TU ngày 14 tháng 9 năm 2022, của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định quan điểm : ‘‘Đội ngũ trí thức của tỉnh là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong
tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Xây
dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ, sức mạnh của
tỉnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống
chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn
tỉnh, của cả hệ thống chính trị. Cần
quan tâm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn và sự đóng
góp của đội ngũ trí thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hành
dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng
tạo của trí thức. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề
nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất,
năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách trọng dụng nhân tài’’…
Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng
công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đời sống của các tầng lớp nhân dân ổn định và
được cải thiện. Cùng với nhiệm
vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng đội ngũ đội ngũ trí thức luôn
được quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cống hiến, phát
triển, vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp xây
dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng được khẳng định; đội ngũ trí thức ngày càng đông về
số lượng, đảm bảo về chất lượng, vững
vàng về chính trị tư tưởng, trình độ chuyên môn và năng lực công tác đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ được giao,
góp phần quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hoá, hiện đại hoá
của tỉnh.
Tính đến năm 2022,
đội ngũ trí thức toàn tỉnh có khoảng 59.958 người; trong đó: Trí thức là cán
bộ, công chức và viên chức là 36.434 người, chiếm 60,7%; trí thức làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ
chức ngoài Nhà nước là 23.524 người, chiếm
39,2%. Toàn tỉnh có 34.630 trí thức có trình độ đại học và trên đại học; trong đó
có: 09 phó giáo sư; 194 tiến sĩ; 48 bác sĩ chuyên khoa II; 290 bác sĩ chuyên
khoa I; 2.072 thạc sĩ...
Đội ngũ Trí thức là cán bộ,
công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ, tích cực đi đầu trong việc truyền bá những tri thức khoa học, công nghệ
tiến bộ, áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh; Đội ngũ viên
chức sự nghiệp cơ bản đạt chuẩn đào tạo theo chức danh nghề nghiệp; tỷ lệ đội
ngũ trí thức ngành giáo dục, đào tạo, y tế có trình độ trên chuẩn cao. Đội
ngũ trí thức tham gia công tác quản lý, lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị đã phát
huy tốt vai trò, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành,
góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, vào quá
trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều trí thức trẻ
thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và
hội nhập kinh tế quốc tế.
Tỷ lệ trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học
phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2012-2022, trên địa
bàn tỉnh đã triển khai 135 nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trong đó có 111 đề
tài và 24 dự án sản xuất thử nghiệm được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực
nông nghiệp 58 nhiệm vụ, xã hội nhân văn, y tế, giáo dục 59 nhiệm vụ và lĩnh
vực kỹ thuật công nghệ 18 nhiệm vụ. Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực văn học
nghệ thuật đã phát huy truyền thống đoàn kết, phấn khởi, nhiệt tình, hăng say
lao động, sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tốt về tư
tưởng chính trị và nghệ thuật phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của tỉnh và
đời sống tinh thần của nhân dân.
Đội ngũ trí thức trong Lực lượng vũ trang nhân dân đã tích cực trong
nghiên cứu khoa học, áp dụng vào phong trào đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc,
phong trào đấu tranh trấn áp tội phạm giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, đóng
góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chính sách đãi ngộ, các hoạt động tôn vinh trí thức luôn được Tỉnh quan
tâm thực hiện, đã kịp thời ghi nhận, tôn vinh những Nhà Khoa học, Trí thức có
đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh; hằng năm, tổ
chức gặp mặt, tôn vinh trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo, đến
nay đã tôn vinh 880 đại biểu trí
thức đạt các tiêu chí.
Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ trí thức có nội dung
triển khai còn chậm. Việc thu hút trí thức có trình độ cao về tỉnh công tác còn
hạn chế; tỷ lệ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học còn ít chưa tương xứng với
số lượng trí thức trong tỉnh; trình độ ngoại ngữ của đội ngũ trí thức còn hạn
chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ở môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập
quốc tế hiện nay. Việc tập hợp và phát huy trí tuệ của đội trí thức, chuyên gia
trong và ngoài tỉnh chưa nhiều; chưa xây dựng được tiêu chí, cơ sở dữ liệu về
trí thức, chuyên gia trên các lĩnh vực để huy động trí tuệ đội ngũ Trí thức
tham gia công tác tư vấn, phản biện vào việc xây dựng các chủ trương, chính
sách của tỉnh; kinh phí dành cho hoạt động tư vấn, phản biện của các hội trí
thức còn hạn chế.
Trước bối
cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và những yêu cầu của quá trình thực hiện chuyển
đổi số và phát triển kinh tế số trên mọi lĩnh vực; đồng thời tỉnh Sơn La đang tập
trung nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch,
nông nghiệp hữu cơ, phát triển nền kinh tế xanh, nhanh, bền vững đang đặt ra
những yêu cầu mới đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn
La nói chung và đội ngũ trí thức của tỉnh nói riêng. Để xây dựng đội ngũ trí
thức Sơn La đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần tập trung
vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương khoá X "Về
xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá
đất nước"; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp
các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước"; Kết luận số 90-KL/TW ngày 04/3/2014 của Bộ Chính trị
"Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày
03/12/2008 về thực hiện các nghị quyết
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X; Chương trình hành
động số 24-CTr/TU ngày 31/12/2014 về thực hiện Kết luận số 90-KL/TW của Bộ
Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị
quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước; Kế hoạch số 165-KH/TU ngày 4/10/2019 của Ban Thường vụ tỉnh
ủy về thực hiện Kết
luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày
21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về
phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm
2030".
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp
của các ngành, đoàn thể trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Xác
định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp ủy đảng, chính
quyền các cấp; người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp định kỳ tiếp
xúc, lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế - xã hội
quan trọng của địa phương.
Ba là, sắp xếp, bố trí, sử dụng hợp lý và nâng cao chất lượng đội ngũ trí
thức; quan tâm, phát hiện và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ
học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu khoa học và nghề nghiệp, trình độ lý
luận chính trị cho đội ngũ trí thức trẻ có triển vọng để tạo nguồn cán bộ kế
cận cho tỉnh. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng,
lợi thế của tỉnh, tạo điều kiện, cơ hội cho trí thức trẻ tham gia làm việc
trong các ngành kinh tế.
Bốn
là, tiếp tục hoàn
thiện cơ chế, chính sách bảo đảm trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức. Đổi
mới công tác tôn vinh trí thức, nhà khoa học. Tôn trọng và phát huy tính tự
chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện
của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức. Khuyến khích thúc đẩy, tạo điều kiện
hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ trong doanh nghiệp, Hợp tác xã.
Năm là, kiện toàn, tổ chức, đổi mới
nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, các
hội trí thức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình
hình mới; thực hiện cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ với việc giao kinh phí để tổ chức
thực hiện công tác tư vấn
phản biện, giám định xã hội vào các chủ trương, chính sách, chiến lược phát
kinh tế – xã hội của tỉnh. Tăng cường sinh hoạt tư tưởng, nâng cao ý thức chính
trị và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ, sinh viên. Xây
dựng bộ tiêu chí Trí thức, chuyên gia, tiêu chí tôn vinh Trí thức tiêu biểu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động
tuyên truyền, phổ biến kiến thức của các hội trí thức./.
Lâm Phương
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần
thứ 7 (Khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức
trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
2. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, Nhiệm kỳ 2020 -
2025, Sơn La năm 2020;
3. Báo cáo Số 337-BC/TU, ngày 14 tháng 9 năm
2022 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban
Chấp hành Trung ương khoá X "Về xây
dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước".
4. Niên giám thông kê tỉnh Sơn La năm 2020, 2021, 2022.