Sự đúng đắn trong hướng ra đi tìm đường cứu nước từ “đông” sang “tây” của Hồ Chí Minh - Lý giải dưới góc độ tư duy
Sự đúng đắn trong hướng ra đi tìm đường cứu nước từ “đông” sang “tây” của Hồ Chí Minh - Lý giải dưới góc độ tư duy
Sự đúng đắn trong hướng ra đi tìm đường cứu nước
từ “đông” sang “tây” của Hồ Chí Minh - Lý giải dưới góc độ tư duy
TS. Nguyễn Thanh Sơn
Trường Chính trị tỉnh Sơn La
Con người làm ra lịch sử của mình nhưng con người không được tự do lựa chọn hình thái kinh tế - xã hội của mình. Trong khi khẳng định tính chất lịch sử - tự nhiên của sự vận động, phát triển xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đồng thời khẳng định vai trò của các nhân tố khác. Chính do sự tác động của các nhân tố này đã tạo nên tính phong phú, đa dạng trong sự phát triển của lịch sử nhân loại, trong đó có thể bao hàm những bước phát triển “bỏ qua" một hay một vài hình thái kinh tế - xã hội nhất định.
Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu khách quan. Nó vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam, vừa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế chung của thời đại.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn nhấn mạnh lại lý do lựa chọn con đường của cách mạng Việt Nam, đồng thời làm rõ thêm sự đúng đắn trong hướng tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh nhằm phản bác lại các quan điểm sai trái cho rằng chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sai lầm.
Bài viết có thể là tài liệu tham khảo khi nghiên cứu về con đường của cách mạng Việt Nam cũng như hướng ra đi tìm đường cứu nước từ “Đông” sang “Tây” (từ Việt Nam sang Pháp) của Hồ Chí Minh - lý giải dưới góc độ tư duy.
Ngày 22/10/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết 35 nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực; nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị tiếp tục được chú trọng, đổi mới, góp phần tạo sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời” [1, tr. 91].
Hiện nay các thế lực thù địch đang điên cuồng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng tập trung đả kích, phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng của chúng ta. Chúng cho rằng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” chỉ là ý tưởng hão huyền, ngông cuồng và cho đến nay càng thấy lạc lõng vì chủ nghĩa tư bản không chỉ tồn tại mà còn bền vững hơn; chúng phủ nhận nội dung, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin với học thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm; chúng chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về những vấn đề như: lựa chọn mục tiêu, mô hình phát triển. Chúng cho rằng, không thể có chủ nghĩa xã hội, Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn sai lầm, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là “một di hại to lớn của lịch sử”.v.v...
Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn nhấn mạnh lại lý do lựa chọn con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời làm rõ thêm sự đúng đắn trong hướng ra đi tìm đường cứu nước từ “Đông” sang “Tây” (từ Việt Nam sang Pháp) của Hồ Chí Minh - lý giải dưới góc độ tư duy.
1. Tính tất yếu phải xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam
Theo Chủ nghĩa Duy vật lịch sử, sự vận động và phát triển của xã hội không tuân theo ý chí chủ quan của con người mà tuân theo các quy luật khách quan của chính bản thân cấu trúc hình thái kinh tế - xã hội. Trong khi khẳng định tính chất lịch sử - tự nhiên của sự vận động, phát triển xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đồng thời khẳng định vai trò của các nhân tố khác như: về điều kiện địa lý, tương quan lực lượng chính trị; truyền thống văn hóa của mỗi cộng đồng người; điều kiện tác động của tình hình quốc tế, vai trò của những vĩ nhân.v.v.. Chính do sự tác động của các nhân tố này mà tiến trình phát triển của mỗi cộng đồng người có thể diễn ra với những con đường, hình thức và bước đi khác nhau, trong đó có thể bao hàm những bước phát triển “bỏ qua" một hay một vài hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Sự phát triển “bỏ qua” của các nước Châu Úc, Châu Mỹ và một số nước khác là những minh chứng, trong đó sự phát triển của Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phải nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản thì mới có thể giành thắng lợi. Đối với Việt Nam, cách mạng giải phóng dân tộc thành công phải tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân, xuất phát từ ba lý do chủ yếu sau:
Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân lao động Việt Nam. Người dân lao động Việt Nam đã cực kỳ khổ cực qua sự thống trị của các triều đại Phong kiến Việt Nam trải qua hàng ngàn năm, nhất là từ khi bị Thực dân Pháp xâm lược (1858), đặc biệt khi Phát xít Nhật chiếm Đông Dương (1940). Trước cách mạng Tháng Tám, hình ảnh của người dân Việt nam được văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 khắc họa thành những nhân vật như: Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, chị Dậu, anh giáo Thứ… với những cái kết bế tắc của cuộc đời “trời tối đen như mực đen như cái tiền đồ của chị” mà chị Dậu phải chấp nhận. Vì vậy làm cách mạng phải triệt để, phải “tới nơi” (Hồ Chí Minh), độc lập phải đem lại tự do và hạnh phúc cho người dân, nghĩa là độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam, không phí xương máu của họ khi đi theo cách mạng. Độc lập là điều kiện cần, là cơ sở để xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội để đảm bảo cho độc lập dân tộc được bền chắc nhất.
Thứ hai, sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã chứng tỏ hệ tư tưởng phong kiến hay hệ tư tưởng tư sản cũng như hình thái kinh tế - xã hội phong kiến hay hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa đã lỗi thời về mặt lịch sử. Có thể kể đến các phong trào, các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, Miền Bắc có: khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, Khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học, khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật…; Miền Trung có phong trào Cần Vương của Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi, khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng…; Miền Nam có khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, của Trương Công Định… Tất cả các phong trào yêu nước này, hoặc là theo tư tưởng phong kiến hoặc là theo tư tưởng tư sản đều bị thất bại. Chính sự thất bại này đã đặt cách mạng Việt Nam vào tình thế khủng hoảng đường lối cứu nước, làm cho các chí sỹ yêu nước Việt Nam thời kỳ đó lúng túng trong việc lựa chọn con đường để cứu nước, giải phóng dân tộc. Sự ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đã đáp ứng được yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh đó.
Thứ ba, Việt Nam giành được độc lập dân tộc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu thế chung của thời đại. Xu thế của thời đại ngày nay được mở ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một thời đại mới với tính chất là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Nó là hồi chuông cảnh báo sự thoái trào của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, đòi hỏi phải được thay thế bằng một hình thái kinh tế - xã hội mới để giải phóng người lao động. Vì vậy, tất cả các nước thuộc địa sau khi giành được độc lập dân tộc phải tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội như Việt Nam (1945), Bắc Triều Tiên (1948), Trung Quốc (1949), Cu Ba (1959).
Chủ tịch Hồ chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam đó là con đường cách mạng vô sản khi Người bắt gặp được chủ nghĩa Mác-Lênin (tháng 7/1920) trên đất Pháp sau gần 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [3, tr.30]. Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam là cách mạng giải phóng thuộc địa phải nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, tức là sau khi giành được độc lập dân tộc, đất nước được giải phóng thì phải chuyển lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Như vậy mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc thực sự cho người dân. Chính sự đúng đắn này đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là sự thành công của cách mạng Tháng Tám, kháng chiến thành công chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, đưa nhân dân lao động Việt Nam từ địa vị nô lệ lầm than lên địa vị là chủ và làm chủ đất nước, đất nước được thống nhất, Nam - Bắc một nhà. Khi bước vào thời kỳ đổi mới, chính định hướng xã hội chủ nghĩa đã đưa công cuộc đổi mới của nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Điều mà các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu trước đây đã không làm được. Những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được đã chứng minh sự đúng đắn của con đường cách mạng Việt Nam mà Đảng ta, đặc biệt là Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Nó phù hợp với đặc điểm tình hình trong nước, tình hình quốc tế và xu hướng chung của thời đại.
2. Sự đúng đắn trong hướng ra đi tìm đường cứu nước từ “Đông” sang “Tây” (từ Việt Nam sang Pháp) của Hồ Chí Minh - lý giải dưới góc độ tư duy
Với hành trang là lòng yêu nước, ngày 05 tháng 6 năm 1911, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng với mong muốn làm thế nào để “Nước được độc lập, dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành”, đồng thời đến “tận nơi” để tìm hiểu xem “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà người Pháp từng rêu rao ở Việt Nam nó thực sự như thế nào. Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác từ Việt nam sang Pháp, tức là đã đi từ “Đông” (Phương Đông) sang “Tây” (Phương Tây). Có thể có nhiều cách để lý giải sự đúng đắn trong lựa chọn hướng ra đi tìm đường cứu nước từ “Đông” sang “Tây” (từ Việt Nam sang Pháp) của Hồ Chí Minh mà một trong những cách tiếp cận là lý giải sự lựa chọn đó dưới góc độ tư duy.
Theo các nhà tâm lý, nếu chia thế giới bằng một hệ trục tọa độ mà gốc của nó đặt ở giữa Việt Nam với Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Âu thì sẽ được 4 vùng có tư duy khá khác biệt nhau. Việt Nam là nước có tư duy duy tình là chủ đạo, Trung Quốc là nước có tư duy duy chí là chủ đạo (bao gồm cả các nước vùng Đông Bắc Á), Ấn Độ là nước có tư duy duy linh là chủ đạo (bao gồm cả các nước vùng Nam Á và Tây Á) còn Tây Âu là vùng có tư duy duy lý (hay còn gọi là tư duy thực chứng) là chủ đạo.
Để thấy được sự đúng đắn trong hướng ra đi tìm đường cứu nước từ “Đông” sang “Tây” của Hồ Chí Minh dưới góc độ tư duy thì trước hết chúng ta phải xem xét các loại hình tư duy đã nêu trên là gì và có những ưu điểm, hạn chế gì.
Tư duy duy tình của người Việt Nam đó là loại tư duy thiên về tình cảm, coi trọng chữ “Tình” trong các mối quan hệ xã hội nói chung. Vì vậy, người Việt Nam mới có những câu như: “Trăm cái lý không bằng tý cái tình”, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.v.v...
Ưu điểm của loại hình tư duy này là dễ chia sẻ, cảm thông, đồng cam cộng khổ, giúp đỡ lẫn nhau và rất đoàn kết nếu đồng thuận được với nhau.
Nhược điểm của loại hình tư duy này là dễ mập mờ, không rõ ràng, dựa dẫm, ỷ lại lẫn nhau hoặc bằng lòng với những gì mình đã có theo kiểu “an bần nhi lạc” không chịu khám phá, không chịu phấn đấu và nếu không đồng thuận được với nhau sẽ dẫn đến mất đoàn kết, cục bộ, bè phái.
Tư duy duy chí của người Trung Quốc là loại hình tư duy thiên về đề cao ý chí phấn đấu vươn lên của mỗi người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chỉ cần có ý chí là có tất cả.
Ưu điểm của loại hình tư duy này là đề cao ý chí nỗ lực phấn đấu vươn lên của con người, dù có ở trong hoàn cảnh khó khăn, không chùn bước trước gian nan thử thách.
Nhược điểm của loại hình tư duy này là dễ rơi vào không tưởng, chủ quan duy ý chí, chỉ đề cao nhận thức chủ quan của mình mà không tính đến điều kiện thực tế.
Tư duy duy linh của người Ấn Độ là loại hình tư duy đề cao những lực lượng siêu tự nhiên (tùy thuộc vào từng tôn giáo, tín ngưỡng), sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chiếm vai trò quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của con người. Vì vậy, giáo lý của nhiều tôn giáo chi phối luật pháp của đất nước.
Ưu điểm của loại hình tư duy này là có thể duy trì xã hội trong một vòng trật tự nhất định, hướng hành động của con người tới cái “Thiện” (theo kiểu của từng tôn giáo, tín ngưỡng) và nếu biết khai thác những giái trị tích cực của một số tôn giáo, tín ngưỡng thì sẽ giúp con người đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên sự cố kết cộng đồng.
Nhược điểm của loại hình tư duy này là cũng dễ rơi vào không tưởng, duy tâm khách quan, nhận thức một cách “hoang đường, hư ảo” hiện thực khách quan. Chỉ cần có một lực lượng siêu nhiên nào đó giúp mình là có thể được, không cần tính đến hiện thực như thế nào, bằng lòng với hiện thực trên “Cõi Niết bàn” hơn là xây dựng nó trên trần thế.
Tư duy duy lý (hay tư duy thực chứng) của người Tây Âu là loại hình tư duy chỉ tin vào cái gì khi nó đã được chứng minh. Điều này lý giải vì sao, từ thời Cổ đại, cho đến nay, hầu hết các định lý, định luật, các nhà khoa học lớn đều là người da trắng; trong thời kỳ Phục Hưng, Khai Sáng và Cận Đại, người Phương Tây đã khám phá ra các châu lục khác trên thế giới và cũng chính vì vậy, khi phát minh ra súng đạn, người da trắng xâm chiếm hầu hết phần còn lại của thế giới để phục vụ cho lợi ích của giai cấp Tư sản Châu Âu.
Ưu điểm của loại hình tư duy này là rõ ràng, thúc đẩy con người khám phá để tìm ra cái mới, tìm ra chân lý để chinh phục thế giới, phát triển sản xuất kinh doanh phục vụ tốt hơn cuộc sống của mình.
Nhược điểm của loại hình tư duy này là đề cao cá nhân, sòng phẳng đến mức lạnh lùng, theo kiểu “Tiền trao, cháo múc”, chỉ đoàn kết khi thấy có lợi ích, nếu không sẽ tiêu diệt nhau mà không cần tình nghĩa. Hai cuộc Đại chiến thế giới là một minh chứng.
Qua nghiên cứu về ưu, nhược điểm của từng loại hình tư duy trên, để thấy được sự đúng đắn trong hướng ra đi tìm đường cứu nước từ “Đông” sang “Tây” của Hồ Chí Minh- xét dưới góc độ tư duy- ta phải xem sự kết hợp giữa tư duy duy tình của người Việt Nam với các loại hình tư duy còn lại sẽ có những ưu điểm hay hạn chế gì.
Nếu kết hợp giữa tư duy duy tình với tư duy duy chí hoặc tư duy duy linh thì đều theo hướng thiên về chủ quan, duy ý chí hoặc duy tâm, chỉ tin tưởng và đề cao ý chí chủ quan của mình hoặc tin tưởng đến mức mê muội vào một lực lượng siêu nhiên nào đó mà không tính đến điều kiện thực tế. Làm cách mạng với tư duy như vậy thì chỉ là cách mạng “ảo” không thể thành công trên thực tế. Điều này lý giải vì sao, ngay từ khi còn trẻ, chưa ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã không đồng ý với tư tưởng Đông du của Phan Bội Châu, muốn dựa vào Nhật đánh Pháp để giải phóng cho ta vì Phan Bội Châu cho rằng người Nhật cũng “máu đỏ, da vàng” nên dễ hiểu và giúp cho ta. Nếu lý giải dưới góc độ tư duy ta thấy, Phan Bội Châu muốn kết hợp giữa tư duy duy tình của người Việt với tư duy duy chí của người Nhật để làm cách mạng mà không tính đến Pháp và Nhật đều là “Hổ” và “Beo” ở giai đoạn đó.
Sự kết hợp giữa tư duy duy tình với tư duy duy lý (thực chứng) lại đưa đến nhiều tính ưu việt. Nếu như nhược điểm của tư duy duy tình là không rõ ràng, mập mờ, không chịu phấn đấu thì đổi lại có sự rõ ràng, thích vươn lên, khám phá của tư duy duy lý. Nếu như nhược điểm của tư duy duy lý là lạnh lùng, sòng phẳng thì đổi lại có sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của tư duy duy tình. Hai loại hình tư duy này kết hợp với nhau thì sẽ có được một kiểu tư duy “Bên tình, bên lý đôi bên vẹn mười”. Trong làm cách mạng nếu biết kết hợp tốt giữa tình và lý thì sẽ vừa tìm ra được hướng đi đúng dắn, vừa tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, không phân biệt, kỳ thị giới tính, dân tộc, tôn giáo hay thành phần gia đình, tạo thành lực lượng cách mạng to lớn chiến thắng mọi kẻ thù.
Thành công của cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đã chứng minh sự đúng đắn trong hướng ra đi tìm đường cứu nước từ “Đông” sang “Tây” của Hồ Chí Minh- xét dưới góc độ tư duy. Người đã đi thẳng từ Việt Nam sang Pháp - một nước chính quốc đang cai trị Việt Nam và đã tìm ra được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam khi gặp chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã kết hợp và vận dụng một cách nhuần nhuyễn tư duy duy tình của người Việt và tư duy duy lý của người Phương Tây trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài và sau này trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941). Chính vì vậy đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
3. Một số lưu ý
3.1. Phải luôn luôn cảnh giác và đoàn kết thống nhất, không ngừng rèn luyện, học tập để nâng cao bản lĩnh, năng lực trình độ và tầm nhìn
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI (năm 1986). Sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của nhân dân ta đã trải qua một chặng đường hơn 35 năm. Trong hơn 35 năm đó, đặc biệt là trong 5 năm thực hiện nghị quyết Đại Hội XII, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân, cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [1, tr. 104]. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ngày nay, trong điều kiện mới, có nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng có không ít những khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam cả ở trong và ngoài nước. Chúng muốn phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin, hạ bệ hình tượng của Bác trong lòng người dân Việt Nam và muốn xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), tức là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đang lợi dụng các vấn đề: dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam, muốn chúng ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa, đi chệch con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Để “Chiến lược diễn biến hoà bình” tinh vi và xảo quyệt của các thế lực thù địch nhằm chống phá chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng có thể cứ “diễn” mà chúng ta không bị “biến”, trong bối cảnh như hiện nay, một mặt, chúng ta phải luôn nâng cao cảnh giác, đoàn kết thống nhất để triệu người như một dưới sự lãnh đạo của một trung tâm đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác, mỗi người Việt Nam chúng ta phải không ngừng rèn luyện, học tập thông qua trường lớp hoặc thông qua thực tiễn, cả trong và ngoài nước, để nâng cao bản lĩnh, năng lực trình độ và tầm nhìn, có tư duy sáng suốt và nhạy bén, biết kết hợp và vận dụng sáng tạo giữa các giá trị trong tư duy của người Việt với những giá trị trong tư duy của nhân loại để giải quyết các vấn đề quan trọng, nhạy cảm. Có như vậy thì chúng ta mới có thể đánh thắng mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững định hướng, giữ vững được độc lập chủ quyền, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
3.2. Cần nghiên cứu kỹ những kiến thức lý luận, liên hệ sáng tạo và đúng đắn với thực tiễn nhằm góp phần tuyên truyền về sự lựa chọn con đường phát triển đất nước, về vai trò lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh
Trường Chính trị tỉnh Sơn La đã trải qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành. Trong quá trình đó, nhà trường đã có nhiều đóng góp cho tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nhiệm vụ chính của nhà trường là đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh. Trong chương trình này có môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định 292-QĐ/HVCTQG ngày 21/01/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) có 06 bài, trong đó có bài nói về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh, lý giải một cách khái quát quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh từ “Đông” sang “Tây”, từ Việt Nam sang Pháp.
Trước những biến động của quốc tế ảnh hưởng đến tình hình trong nước và trong tỉnh, các giảng viên của nhà trường giảng dạy lý luận chính trị nói chung và các giảng viên dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng cần nghiên cứu thấu đáo những kiến thức lý luận, liên hệ sáng tạo và đúng đắn với thực tiễn, nhất là thực tiễn Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhằm góp phần tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đồng bào các dân tộc trong tỉnh về công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong lựa chọn con đường phát triển đất nước, về vai trò lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền các cấp, chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động trên địa bàn tỉnh, đánh bại âm mưu của tư tưởng muốn thành lập “Vương quốc Mông”, sống xứng đáng với những hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh là con em của các dân tộc Sơn La trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân và bành chướng, để góp phần “xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh, xanh và bền vững, cùng cả nước chung sức, đồng lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” [2, tr. 53].
Con đường phát triển của mỗi quốc gia dân tộc không phải do ý muốn chủ quan của một giai cấp hay chính đảng nào quyết định mà do những điều kiện khách quan và chủ quan của dân tộc quốc gia đó quyết định. Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công phải tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan. Nó vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân lao động Việt nam, vừa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế chung của thời đại. Ngày nay, khi xem xét sự lựa chọn con đường của cách mạng Việt Nam chúng ta phải có quan điểm lịch sử cụ thể để thấy được sự đúng đắn trong lựa chọn con đường phát triển đất nước của Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta. Những thành tựu của hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đó là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, “khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại” [1, tr. 104].
Chúng ta tin tưởng và khẳng định rằng, theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Với ý chí quyết tâm của toàn đảng, toàn quân và toàn dân, nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQG Sự Thật, HN 2021, T1.
2. Đảng bộ tỉnh Sơn La: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG Sự Thật, HN 2011, T12.