No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Sơn La trước những yêu cầu mới
Lượt xem: 672

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC SƠN LA TRƯỚC NHỮNG YÊU CẦU MỚI

                                                                                        Nguyễn Minh

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi địa phương phải nắm bắt cơ hội để khai thác các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn lực đó bao gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực tài chính, nguồn lực khoa học - công nghệ và nguồn lực con người,… Trong đó, nguồn lực con người là nguồn lực quan trọng nhất, có tính chất quyết định sự tăng trưởng và phát triển xã hội.
Trí thức, với tư cách là một tầng lớp xã hội đặc biệt, có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, tiến bộ xã hội cũng như trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nguồn lực trí tuệ quan trọng của sự phát triển kinh tế xã hội ở từng quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế. Họ có vai trò to lớn trong việc sáng tạo ra những giá trị kinh tế, văn hoá, tinh thần, đem lại những thành tựu quan trọng trong khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Sơn La trong hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, góp phần tạo ra sự bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước những yêu cầu mới.
1. Nhận thức chung về trí thức
“Trí thức” là một từ Hán - Việt. Có nhiều cách hiểu và cách tiếp cận khác nhau về khái niệm này. Khi nói đến trí thức người ta thường quan niệm đó phải là một người có học và có tâm (Sĩ + Tâm); đồng thời người đó phải có sự cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội (làm thức tỉnh).
Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, trí thức được định nghĩa là “tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc, trong đó, bộ phận chủ yếu là những người có học vấn cao, hiểu biết sâu rộng về chuyên môn của mình, có sáng tạo và phát minh”. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (Khóa X) đã nêu: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Đây là định nghĩa cô đọng, nhấn mạnh đến đặc trưng lao động trí óc sáng tạo của trí thức trong xã hội.
Trong tác phẩm “Trí thức Việt Nam: thực trạng và triển vọng” do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 1995, tác giả Phạm Tất Dong đã luận giải cặn kẽ về “chất trí thức”, đó là chất lao động trí tuệ sáng tạo, được thể hiện thông qua công việc cụ thể mà người trí thức đảm nhiệm. Tác giả đã khái quát chính sách phát triển đội ngũ trí thức của Đảng 65 năm qua với những thành tựu đạt được và một số hạn chế tồn đọng, qua đó nêu lên khuyến nghị một số chính sách về giáo dục và đào tạo, sử dụng và đãi ngộ, đoàn kết và tập hợp đối với trí thức.
Tác phẩm “Trí thức với Đảng, Đảng với trí thức trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước” do PGS.TS Nguyễn Văn Khánh chủ biên, do nhà xuất bản Thông tấn ấn hành năm 2004, có thể được xem là tác phẩm lớn bàn về trí thức và chính sách của Đảng dành cho trí thức Việt Nam qua các thời kì cách mạng. Tác giả đã nói về những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với trí thức dân tộc. Đây là một tác phẩm có sự khái quát chung về chính sách của Đảng đối với đội ngũ trí thức và sự công hiến của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng.
Cùng chủ đề trí thức, PGS.TS Đức Vượng đã viết tác phẩm “Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước”, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2014. Với 3 phần: bàn về trí thức Việt Nam - lịch sử và lý luận, thực trạng và phương hướng hoạt động của đội ngũ trí thức, tác phẩm đã chỉ ra những phương hướng chung và giải pháp cụ thể về từng lĩnh vực hoạt động của trí thức, góp phần tạo cơ sở khoa học để Đảng hoạch định chính sách một cách phù hợp nhằm phát huy được tiềm năng phong phú và giàu tính sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Qua các nội dung nghiên cứu trên đây, có thể khái quát: “trí thức” là khái niệm dùng để chỉ một tầng lớp xã hội có năng lực trí tuệ và có trình độ chuyên môn cao, chuyên lao động trí óc, giữ vai trò chủ đạo trong việc sáng tạo các giá trị cao, mới trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, … góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, lực lượng trí thức đã và đang phát triển ngày một nhanh chóng, trở thành một tầng lớp xã hội đông đảo và có vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại. Khi khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì vai trò của đội ngũ trí thức trong sự phát triển của toàn xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn.
2. Vai trò của trí thức với hoạt động khoa học và sáng tạo kỹ thuật
Cuộc cách mạng về phát triển không gian số đang tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng trên mọi phương diện của đời sống. Trong tiến trình đó, yếu tố con người, đặc biệt là lực lượng trí thức, các nhà khoa học được xem là nhân tố tiên phong.
Vai trò của trí thức được thể hiện trên các khía cạnh cơ bản, đó là góp phần tích cực nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tham gia vào việc biên soạn hoặc đảm nhiệm vai trò tư vấn, phản biện, giám định các dự thảo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các dự luật, các dự án kinh tế - xã hội (KT - XH) và khoa học, công nghệ ở tầm quốc gia. Trong cuốn “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với trí thức nước ta hiện nay”, tác giả Ngô Huy Tiếp cho rằng, đội ngũ trí thức là nguồn lực trí tuệ quan trọng cho sự phát triển KT - XH đối với mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế. Họ có vai trò to lớn trong việc sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần, đem lại những thành tựu quan trọng trong khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, đội ngũ trí thức có vai trò toàn diện trên tất cả các mặt, từ xây dựng luận cứ cho quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước (chính trị) đến thúc đẩy quá trình CNH, HĐH (kinh tế), đến đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài (giáo dục) đến phát triển nền văn hóa dân tộc (văn hóa).
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức đóng vai trò động lực đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều công trình khoa học đã góp phần quan trọng trong thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học xã hội đã để lại nhiều dấu ấn trong tiến trình phát triển mới đất nước, trong đời sống xã hội và góp phần vào sự phát triển của nền khoa học thế giới.
Trong bối cảnh đất nước thực hiện đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức càng được thể hiện mạnh mẽ. Vai trò đầu tiên và căn bản nhất của trí thức là vai trò sáng tạo, phổ biến và truyền bá tri thức, tức là trí thức thể hiện vai trò đầu tiên trên lĩnh vực xã hội, văn hóa. Bởi trí thức là bộ phận lao động trí óc sáng tạo trong xã hội. Sự sáng tạo luôn là đặc thù gắn liền với với quá trình lao động của người trí thức. Nhờ vào sự sáng tạo của trí thức mà những tri thức mới liên tục ra đời. Những tri thức mới ấy quay trở lại nâng cao nhận thức của nhân loại nói chung trên các lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và nhân văn. Sự sáng tạo đó thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Nhờ sự sáng tạo đó mà các giá trị văn hóa mới được xây dựng, được củng cố, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội.
3. Khái quát thực trạng đội ngũ trí thức Sơn La
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chủ yếu tập trung tại các Trường Đại học, Cao đẳng; số còn lại hoạt động trong các tổ chức KH&CN và Doanh nghiệp KHCN.
Số lượng trí thức trên địa bàn tỉnh Sơn La được tính từ nhiều bộ phận, bao gồm số lượng người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên có khả năng làm việc độc lập sáng tạo và có những đóng góp cho sự phát triển tiến bộ của xã hội; những người tự đào tạo, học hỏi để đạt đến một trình độ chuyên môn của người trí thức và có những đóng góp trong thực tiễn sản xuất; bộ phận trí thức ở nước ngoài. Có thể thấy, trí thức là một tập hợp mở và đa dạng, để thống kê được số lượng trí thức Việt Nam hiện nay cần có sự điều tra thống kê từ các bộ phận đó. Thực tế, không thể có một số liệu nào có thể phản ánh được tất cả các bộ phận trên vì chúng thay đổi liên tục và luôn bao gồm những bộ phận đặc thù. Vì vậy, để đưa ra một con số chính xác tuyệt đối về số lượng đội ngũ trí thức là điều khó khăn.
Theo Báo cáo số 27-BC/ĐĐ LHH ngày 07/12/2021 của Đảng Đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La: đội ngũ trí thức toàn tỉnh Sơn La hiện có khoảng 57.680 người; trong đó: Trí thức là cán bộ, công chức và viên chức 34.708 (chiếm 60,1%), Trí thức làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài Nhà nước khoảng 22.972 người (Chiếm 39,9%). Toàn tỉnh có khoảng 34.630 trí thức có trình độ đại học và trên đại học; trong đó: phó giáo sư 05 người, tiến sỹ 129 người; bác sỹ chuyên khoa II là 46 người; thạc sỹ khoảng 1.330 người; bác sỹ chuyên khoa I khoảng 270 người.
Đội ngũ trí thức giữ các cương vị lãnh đạo đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo các bước đột phá về nhiều mặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đội ngũ trí thức là cán bộ, công chức, viên chức về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ, tích cực tham mưu và thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) thường xuyên quan tâm học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ đội ngũ trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng cũng không ngừng phấn đấu vươn lên, có nhiều đóng góp quan trong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
4. Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Sơn La trước những yêu cầu mới
Theo số liệu của Cục Thống kê Sơn La, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,46%/năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành năm 2020 ước đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 1,54 lần so với năm 2016; tổng số vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm ước đạt 82.000 tỷ đồng, bình quân đạt 16.400 tỷ đồng/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,1 triệu đồng/người/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2016.
Nhìn chung, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La trong những năm qua đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận; nhưng về cơ bản: nhiều tiềm năng và lợi thế của tỉnh vẫn chậm được khai thác; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trên nhiều lĩnh vực chưa thực sự đem lại hiệu quả. Sản lượng, năng suất, chất lượng của nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên nhiều lĩnh vực thiếu tính cạnh tranh. Việc xác lập, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoa và công nghệ còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ trên lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh còn hạn chế cả về trình độ và năng lực, ít được tiếp cận với các lĩnh vực công nghệ mới ở cả trong nước và trên thế giới.
Trước những yêu cầu và tác động của quá trình thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số trên mọi lĩnh vực của tỉnh; đồng thời nhiệm vụ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển bảo vệ thương hiệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đang đặt ra những yêu cầu mới đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung và đội ngũ trí thức của tỉnh nói riêng.
Để Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Sơn La trước những yêu cầu mới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ trí thức theo tinh thần Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
Hai là, cần quan tâm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ trí thức gắn với nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số trên mọi ngành, lĩnh vực của Tỉnh. Đội ngũ trí thức Sơn La phải là lực lượng triên phong trong lĩnh vực này.
Ba là, cần quan tâm xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng với giá trị sức lao động của đội ngũ trí thức để họ có điều kiện tập trung vào phát triển năng lực chuyên môn, vào nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ.
Bốn là, tạo sự thu hút và động lực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động sáng tạo, các hoạt động tư vấn, phản biện, ... Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các các lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng yếu của tỉnh.
Năm là,nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, thực hiện thi tuyển một số chức danh quản lý ở cấp sở - ngành, quận - huyện và cơ quan tương đương; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới .
* * *
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức trên bước đường phát triển đi lên của đất nước, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, khi tài nguyên lớn nhất của mỗi quốc gia là tài nguyên con người, trong đó nguồn lực hàng đầu là trí thức. Tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Sơn La trước những yêu cầu mới là một yêu cầu khách quan, phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước và của tỉnh Sơn La theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã đề ra.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (Khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 21/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sơn La năm 2020.
4. Niên giám Thống kê tỉnh Sơn La (từ năm 2008 đến năm 2020).
5. Báo cáo số: 697/BC-CTK ngày 27/12/2021 của Cục Thống kê Sơn La về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021.

Thông tin doanh nghiệp
  • Xây dựng mô hình “Bản du lịch xanh” trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La
  • Sơn La trong Chiến dịch Thượng Lào 1953
  • Hội thảo khoa học Mối quan hệ giữa trồng cây ăn quả với nghề nuôi ong mật trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi tin rằng trong tương lai chắc sẽ có đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ” ​
  • Liên hiệp Hội Sơn La: Gặp mặt kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5
  • Thư chúc mừng của Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày KH&CN Việt Nam
  • Chi bộ Cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La tổ chức Lễ Trao Huy hiệu Đảng
  • Đại hội Công đoàn cơ sở Cơ quan Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La, nhiệm kỳ 2023-2028
  • Các loại hệ thống quản lý tri thức
  • Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
  • Nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên ​
  • Quan hệ Việt Nam – Cuba: Hình mẫu của quan hệ quốc tế
  • Cuộc tản cư của đồng bào Sơn La trong kháng chiến chống Pháp (1947 – 1953)
  • Đẩy mạnh tuyên truyền tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La - năm 2023
  • Chỉ số CCHC và Chỉ số Hài lòng Sipas 2022 của tỉnh Sơn La
  • Kinh nghiệm sử dụng lãnh đạo chuyển đổi trong doanh nghiệp
  • Nhà ngục Sơn La- Di tích lịch sử đặc biệt
  • PAPI năm 2022 của Tỉnh Sơn La
  • Hội thảo khoa học “Chiến thắng thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” ​
  • PCI năm 2022 của tỉnh Sơn La
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 5
    • Hôm nay: 647
    • Trong tuần: 10 384
    • Tất cả: 13411480
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này