No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Một số ý kiến về căn cứ để công nhận người hoạt động trước cách mạng
Lượt xem: 98

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ CĂN CỨ ĐỂ CÔNG NHẬN NGƯỜI HOẠT ĐỘNG TRƯỚC CÁCH MẠNG

Tháng 11/1983, Đồng chí Lê Trung Toản, (phái viên của Xứ ủy Bắc Kỳ hoạt động ở Mường Chanh, Mai Sơn từ tháng 6/1944 đến tháng 6/1945) cung cấp cho Tỉnh ủy Sơn La bản danh sách gồm 64 người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám – năm 1945 ở xã Mường Chanh. Gần đây có ý kiến cho rằng cần xác minh lại những người chưa được công nhận hoạt động trước cách mạng trong bản danh sách này để làm thủ tục công nhận cho họ. Đây cũng là vấn đề khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc giải quyết chế độ chính sách cho người có công, vì ngoài bản danh sách này còn có những hồ sơ đề nghị công nhận hoạt động trước cách mạng đang còn vướng mắc, chưa đủ căn cứ giải quyết. Để tháo gỡ được vấn đề này, việc điều chỉnh cơ chế, chính sách là cần thiết, bên cạnh đó cũng cần sự phối hợp của nhiều ngành, lĩnh vực khác như công tác lưu trữ, nghiên cứu, biên soạn lịch sử…

1. Về quy định các căn cứ để công nhận người hoạt động trước cách mạng

Trong những năm qua, việc xác minh hồ sơ để công nhận cho các trường hợp hoạt động trước cách mạng luôn được các ngành chức năng ở Sơn La quan tâm triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, góp phần giải quyết chế độ, chính sách cho người có công. Tính đến năm 2023, tỉnh Sơn La có 57 cán bộ lão thành cách mạng, hơn 100 cán bộ tiền khởi nghĩa đã được công nhận. Riêng trong danh sách của ông Lê Trung Toản mới có 17/64 người được công nhận hoạt động trước cách mạng. Qua khảo sát các trường hợp chưa được công nhận, vướng mắc lớn nhất là không có đủ căn cứ pháp lý chứng minh mốc thời gian tham gia hoạt động trước cách mạng cho họ. Theo quy định, việc này đòi hỏi phải kê khai thời gian một cách chi tiết, chính xác đến từng ngày, trong khi các căn cứ để xác minh người hoạt động trước cách mạng lại được sửa đổi thường xuyên.

Trước năm 1994, việc công nhận và giải quyết chế độ đối với người hoạt động trước cách mạng được thực hiện theo Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 24/12/1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) “Về chính sách, chế độ đối với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm” và Thông tri số 07-TT/TC ngày 21/3/1979 của Ban Tổ chức Trung ương về“Hướng dẫn vận dụng tiêu chuẩn và xác nhận những đối tượng được hưởng chính sách, chế độ đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 19 tháng Tám năm 1945”.

Ngày 29/8/1994, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX đã thông qua “Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh ưu đãi). Cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này tạo thành hệ thống pháp luật về ưu đãi người có công. Qua 30 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh ưu đãi được sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm 1998, 2000, 2001, 2005, 2012 và 2020, đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và những người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau khi Pháp lệnh ưu đãi được ban hành, Chính phủ tiếp tục có Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi. Theo đó, các căn cứ để xác nhận người hoạt động trước cách mạng gồm: Lý lịch tự khai trong các năm 1960, 1969, 1976 trở về trước; chứng nhận của hai người cùng hoạt động đã được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Ngày 12/8/2009 Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW, sửa đổi căn cứ “chứng nhận của hai người cùng hoạt động đã được công nhận là cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận” bằng căn cứ “tên người hoạt động cách mạng được ghi nhận trong lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên, được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cho xuất bản từ ngày 01/10/2007 trở về trước”; đồng thời mở rộng các căn cứ công nhận theo hồ sơ, lý lịch: “người hoạt động cách mạng có hồ sơ đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử của Trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên”.

Năm 2013, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi. Theo Nghị định này, căn cứ có tên trong sách lịch sử Đảng bộ “được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cho xuất bản từ ngày 01/10/2007 trở về trước” được sửa đổi thành “có tên trong Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản”. Như vậy, từ năm 2013 đến nay, các căn cứ để công nhận người hoạt động trước Cách mạng tháng Tám là các hồ sơ lý lịch tự khai từ các năm 1976 trở về trước và các hồ sơ khen thưởng, hồ sơ liệt sỹ, hồ sơ khác “đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử của Trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên”, hoặc có tên trong sách lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên đã được các cơ quan có thẩm quyền xuất bản, không giới hạn năm xuất bản.

Có thể thấy, trong quá trình thực hiện Pháp lệnh ưu đãi, Chính phủ đã điều chỉnh các căn cứ để công nhận người hoạt động trước cách mạng theo hướng cụ thể, chặt chẽ hơn. Vì thế cũng làm thu hẹp đi khả năng được công nhận đối với một số trường hợp thực tế có hoạt động trước cách mạng. Bởi lẽ, trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện Pháp lệnh, nhiều hồ sơ đang sử dụng căn cứ xác nhận là “chứng nhận của hai người cùng hoạt động đã được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945” và đang trong quá trình xét duyệt, lại phải thực hiện theo căn cứ mới của Hướng dẫn số 30 ngày 12/8/2009 (có tên trong lịch sử đảng bộ cấp xã trở lên), nên không hợp lệ và không được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Về hình thức, tuy căn cứ mới theo Hướng dẫn số 30 (có tên trong lịch sử đảng bộ) đã được nâng lên một bước, chặt chẽ hơn, nhưng về bản chất vẫn không khác căn cứ “xác nhận của 2 người đã được công nhận hoạt động trước cách mạng”. Bởi trong thực tiễn công tác nghiên cứu lịch sử đảng bộ các cấp, từ quá trình tổ chức nghiên cứu, hội thảo đến khâu biên soạn đều rất coi trọng công tác khai thác tư liệu từ nhân chứng lịch sử. Để đưa được tên con người cụ thể vào trong cuốn sách phải tham khảo ý kiến của nhiều nhân chứng lịch sử cùng thời. Thậm chí, căn cứ mới này có phần bó hẹp, thiếu chính xác hơn. Vì các xác nhận của những người đã được công nhận hoạt động trước cách mạng đều được thực hiện gần với mốc năm 1945 hơn (từ 2009 trở về trước), khi đó vẫn còn nhiều nhân chứng, mà phần đa những nhân chứng này vẫn còn minh mẫn, còn nhớ rõ được các mốc thời gian, sự kiện lịch sử.

Trong khi đó, chủ trương viết lịch sử đảng bộ các cấp, nhất là cấp xã ở Sơn La mới được quan tâm đẩy mạnh trong những năm gần đây (sau khi có Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 28/3/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử địa phương”; Thông báo kết luận số 1031-TB/TU ngày 21/7/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về việc “hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các xã, phường, thị trấn”), cùng với thời điểm Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW, sử dụng căn cứ “có tên trong lịch sử đảng bộ cấp xã trở lên” (năm 2009) để xét công nhận cho người hoạt động trước cách mạng. Khi đó, các nguồn tài liệu sử dụng để biên soạn đều khan hiếm, nhân chứng lịch sử không còn nhiều. Để đưa được những tên người cụ thể vào trong cuốn sách là việc rất khó khăn, trong khi những người biên soạn thường ít khi đối chiếu, so sánh, sử dụng lời kể từ nhân chứng lịch sử để xác minh, đưa thêm một số tên người hoạt động vào cuốn sách, mà chỉ chú ý đưa tên những người đã được công nhận hoạt động trước cách mạng vào cho khỏi bị sai sót. Do đó, việc chỉ sử dụng một trong 2 căn cứ nói trên làm căn cứ xét công nhận cho các trường hợp hoạt động trước cách mạng là điều chưa thực sự hợp lý.

2. Về công tác xác minh, củng cố tài liệu, hồ sơ của người hoạt động trước cách mạng

Trong thực tiễn triển khai việc xác minh hồ sơ, lý lịch của người đề nghị công nhận hoạt động trước cách mạng cho thấy, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, kéo dài, nhiều trường hợp không còn lưu giữ được hồ sơ gốc, các hồ sơ lý lịch của họ khai vào các thời điểm theo quy định đều rất chung chung, chỉ khai năm, không thể hiện được ngày tháng cụ thể. Có những người chỉ được nhắc đến qua các hồi ký cá nhân và một số tài liệu khác. Đây là vấn đề rất khó khăn đối với cơ quan chức năng trong việc xác nhận là người hoạt động trước cách mạng.

Đối với những người chỉ tham gia hoạt động cách mạng, sau khi giành chính quyền thắng lợi, không thoát ly công tác, trở về làm nông dân sản xuất nông nghiệp như cũ thì lại thiệt thòi lớn. Hồ sơ, lý lịch cá nhân để xác nhận thời gian hoạt động theo quy định hầu như không có. Một số là đảng viên nhưng lý lịch Đảng không còn được lưu trữ. Một số người là liệt sỹ, hi sinh khi còn rất trẻ thì hồ sơ liệt sỹ cũng không có hoặc không rõ ngày tháng.

Điều này đòi hỏi ngoài các hồ sơ, lý lịch, sách lịch sử đảng bộ, giấy xác nhận… làm căn cứ xác nhận thời gian hoạt động theo quy định, cần phải căn cứ thêm vào các nguồn tài liệu khác để đối chiếu, so sánh, làm căn cứ vận dụng công nhận cho họ. Các tài liệu vận dụng này đôi khi vẫn nằm ở các trung tâm lưu trữ, tại một số cơ quan chuyên môn hoặc cá nhân còn lưu giữ được, như bản khai thành tích thời kỳ chống Mỹ, các tài liệu báo cáo, hồi ký, văn bản, sách báo đã xuất bản… (bản danh sách 64 người tham gia hoạt động trước cách mạng ở xã Mường Chanh của ông Lê Trung Toản cũng cần được coi là một tài liệu để tham khảo, đối chiếu). Do đó, việc khai thác và sử dụng tổng hợp các nguồn tài liệu này, ngoài các căn cứ theo quy định của pháp luật là việc hết sức cần thiết, sẽ góp phần giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong công tác xác minh, củng cố tài liệu, hồ sơ để công nhận cho người hoạt động trước cách mạng.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Từ những nội dung trên, cũng như qua danh sách 64 người của ông Lê Trung Toản, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác củng cố tư liệu, hồ sơ để công nhận hoạt động trước cách mạng đối với những trường hợp có đủ căn cứ, cũng như việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp. Những nội dung này không chỉ có ý nghĩa lớn, góp phần tri ân, giải quyết chế độ, chính sách đối với thân nhân những người hoạt động trước cách mạng mà còn góp phần làm rõ, khẳng định được tính chất phổ biến, tính quần chúng sâu rộng trong cuộc Cách mạng tháng Tám ở Sơn La, làm vẻ vang truyền thống yêu nước của cha ông ta.

Có thể thấy các nội dung trên có mối quan hệ biện chứng hết sức chặt chẽ, hỗ trợ hoặc phủ định lẫn nhau. Nếu điều chỉnh được các căn cứ pháp lý cho phù hợp thì mới xác minh, củng cố được tài liệu, hồ sơ, từ đó mới có căn cứ tài liệu để bổ sung, chỉnh sửa vào lịch sử đảng bộ. Và có bổ sung chỉnh sửa lịch sử đảng bộ hoặc xác minh làm rõ hồ sơ thì mới đủ điều kiện công nhận đối với các trường hợp đề nghị. Vì vậy, cần có lộ trình phù hợp và kết hợp chặt chẽ các nội dung này với nhau.

Để tiếp tục tôn vinh, tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người hoạt động trước cách mạng, cần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xem xét một số nội dung sau:

- Cho xem xét, công nhận hoạt động trước cách mạng đối với những trường hợp có giấy xác nhận của những người đã được công nhận hoạt động trước cách mạng và xác nhận của cơ quan chức năng đã thực hiện từ năm 2009 trở về trước. Xét công nhận đối với người hoạt động trước cách mạng nếu đủ một trong hai điều kiện: giấy xác nhận của 2 - 3 người cùng tham gia hoạt động đã được công nhận hoặc có tên trong sách lịch sử Đảng bộ từ cấp xã trở lên đã được xuất bản.

 - Đề nghị cho phép sử dụng các tài liệu lưu trữ liên quan như bản khai thành tích, hồi ký, báo cáo… làm căn cứ vận dụng để công nhận nếu đủ căn cứ khoa học.

- Tổ chức, nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung các cuốn lịch sử Đảng bộ các cấp khi đủ thời gian theo quy định, gắn với việc xác minh, làm rõ các nhân vật lịch sử, nhất là giai đoạn trước cách mạng tháng Tám, đưa vào lịch sử Đảng bộ khi có đủ căn cứ khoa học.

Thực hiện tốt các nội dung này không chỉ giải quyết được các vướng mắc về pháp lý trước mắt, mà còn giúp xây dựng những căn cứ, cơ sở khoa học vững chắc để tiếp tục giải quyết các vấn đề về chính sách phát sinh trong tương lai./.

Hà Ngọc Hòa

Thông tin doanh nghiệp
  • 4 mô hình xây dựng đơn vị đổi mới sáng tạo ở khu vực nhà nước
  • Loài nhái cây mới được mô tả ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên
  • Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ: Thúc đẩy tăng trưởng khởi nghiệp trong khu vực
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”
  • Hội nghị biểu dương Điển hình tiên tiến phong trào nuôi ong mật tỉnh Sơn La giai đoạn 2019-2023
  • Nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài Đánh giá tác động của các chính sách về phát triển cây ăn quả tỉnh Sơn La
  • RYNAN - Hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp 4.0
  • Ứng dụng thương mại điện tử trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho một số doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Triển khai cơ chế thử nghiệm cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo bứt phá cho nền kinh tế”
  • Đổi mới hoạt động của Cụm thi đua số 3 góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
  • Tài liệu Hội thảo Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023 của Cụm thi đua số 3
  • Tài liệu Hội thảo PBKT Ứng dụng TMĐT trogn DN&HTX cây ăn quả
  • Tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 6, năm 2023
  • Hội thảo tư vấn Báo cáo kết quả thực hiện đề tài tư vấn, phản biện Đánh giá về tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La từ năm 2017 đến nay
  • Những người thầy giáo của của Bác Hồ
  • Tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”
  • Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2023
  • ​Bác Hồ kêu gọi toàn dân rèn luyện sức khỏe
  • Đêm hội Phù Hoa
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 6
    • Hôm nay: 529
    • Trong tuần: 12 560
    • Tất cả: 13686939
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này