Một số vấn đề Khoa học và Công nghệ được quan tâm và được giải trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Một số vấn đề Khoa học và Công nghệ được quan tâm và được giải trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Tại phiên họp Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, liên quan đến lĩnh vực KH&CN vào đầu tháng 11/2022, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về các nội dung như: đánh giá, đo lường hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho KH&CN; xử lý nguồn vốn tồn đọng tại Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH,CN&ĐMST; sự trùng lặp nhiệm vụ nghiên cứu giữa cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, mức độ ứng dụng và thương mại hóa thấp...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu
1. Đầu tư cho khoa học và công nghệ
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho KH&CN. Mặc dù, chưa có cơ sở tổng hợp, xác định thực tế chi ngân sách nhà nước cho KH&CN có đạt hay không so với mức quy định, nhưng trong bối cảnh cân đối chi NSNN còn khó khăn, chi thường xuyên cho KH&CN vẫn luôn được Quốc hội thông qua trung bình khoảng 0,79% tổng chi NSNN.
2. Đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế -xã hội
Hoạt động KH&CN là hoạt động có nhiều tính đặc thù (bản chất nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính rủi ro và có độ trễ; các nghiên cứu được triển khai trong nhiều giai đoạn và nhiều kết quả nghiên cứu thành công còn cần tiếp tục được đầu tư từ nguồn lực NSNN hoặc nguồn lực xã hội để phát huy trong thực tế), nhưng thời gian vừa qua Bộ KH&CN cũng đã cố gắng hình thành một hệ thống các chỉ tiêu thống kê để qua đó phản ảnh được tình hình và kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu của đất nước; làm cơ sở trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ từng thời kỳ.
Đóng góp của KH&CN vào phát triển KT-XH có thể được đánh giá gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu bao gồm: Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân; Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá; Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII); Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam; Cơ cấu đầu tư cho KH&CN từ NSNN và từ doanh nghiệp; Số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam. Giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu này đều có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.
Tuy vậy, qua công tác theo dõi, quản lý, giám sát, Bộ KH&CN cũng thấy rằng: KHCN&ĐMST chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển KT-XH; còn tồn tại tình trạng nhiệm vụ KH&CN chưa bám sát với yêu cầu sản xuất và đời sống; các chương trình và nhiệm vụ KH&CN chưa góp phần hình thành các lĩnh vực công nghệ hay ngành hàng mũi nhọn; nhiều kết quả KH&CN từ các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách còn chậm được ứng dụng trong thực tiễn do các vướng mắc về quản lý tài sản công; hệ thống thông tin, thống kê về KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tính hệ thống, độ tin cậy. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tổ chức và thực hiện các giải pháp để giải quyết các tồn tại này trong thời gian tới.
3. Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN&ĐMST và Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp
Việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN&ĐMST luôn là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào NSNN (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KH&CN), thì đến nay đầu tư cho KH&CN từ NSNN và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Trong giai đoạn đến 2030, cần phấn đấu tỷ trọng này đạt mức 70/30 như trung bình của các nước có nền KH&CN tiên tiến.
Để thực hiện định hướng này, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 cũng đã xác định rõ: "Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Tăng cường thiết chế hợp tác công - tư, đối ứng đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp có sự hợp tác tham gia của viện, trường".
Về Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, theo số liệu thống kê của Tổng cục thuế, trong giai đoạn 2015-2021, có tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập Quỹ với tổng số tiền trên 23.895 tỷ đồng, trong đó số sử dụng trên 14.411 tỷ đồng, chiếm khoảng 60,3%. Có thể thấy rằng số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập Quỹ là khá khiêm tốn. Chỉ một số doanh nghiệp lớn như Viettel, PVN, VNPT,... có khả năng trích lập Quỹ với số tiền tương đối lớn.
Việc trích lập và sử dụng Quỹ hiện nay có vướng mắc, khó khăn, cụ thể như: Tỷ lệ trích lập Quỹ chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam trong đó một phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ; gần như không có doanh nghiệp FDI nào trích lập Quỹ cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ chưa đủ hấp dẫn; Quy định hiện nay không cho phép sử dụng Quỹ để mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động SXKD; các quy định về quản lý Quỹ không phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc triển khai các hoạt động chi của Quỹ; thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của Quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với đặc thù của Quỹ; thủ tục mua sắm phục vụ nhiệm vụ KH&CN sử dụng Quỹ thực hiện theo thủ tục của dự án đầu tư chưa phù hợp với đặc thù tính mới, tính hiếm, tính kịp thời, tính rủi ro cao của hoạt động KH&CN.
Thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của của Chính phủ, để tháo gỡ một phần các khó khăn, vướng mắc này, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN đã bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không đúng với tinh thần tôn trọng vai trò tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động quyết định định hướng, nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong việc tổ chức quản lý nhiệm vụ KH&CN tại doanh nghiệp sử dụng nguồn từ Quỹ. Thông tư cũng đã tập hợp, làm rõ nhiều nội dung chi từ Quỹ, đặc biệt là chi cho việc mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy định các cơ chế đặc thù sử dụng Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ trong doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp nhà nước về viễn thông, công nghệ số. Bộ Tài chính hiện đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để khuyến khích hơn nữa việc doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN sẽ đề xuất Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Luật KH&CN 2013, Nghị định 95/2014/NĐ-CP về cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN để nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp tăng tính hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong việc trích lập và sử dụng Quỹ, đồng thời nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù trong mua sắm, đầu tư từ nguồn của Quỹ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Về vấn đề nhiệm vụ khoa học, công nghệ dừng thực hiện trong cả giai đoạn 2016-2021 có 86 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, chiếm 4% tổng số nhiệm vụ được xử lý dừng thực hiện theo quy định, vì các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Bộ cũng đã báo cáo thông tin chi tiết về việc xử lý đối với từng nhiệm vụ.
Nghiên cứu KH&CN có tính đặc thù, đó là không thể nào 100% nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đều thành công. Ngay cả một hướng nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp có giá trị cho việc phát triển khoa học và công nghệ.
Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát Quốc hội và các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, giai đoạn 2016 – 2021 dự toán ngân sách cho KHCN nếu chi đủ 2% tổng chi ngân sách nhà nước thì tương ứng khoảng 25 nghìn – 35 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, chi cho sự nghiệp khoa học khoảng 10 nghìn – 13 nghìn tỷ đồng/năm và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo hàng năm. Phần còn lại chi cho đầu tư phát triển tương ứng khoảng 15 nghìn – 22 nghìn tỷ đồng/năm thì không được báo cáo, thống kê cụ thể, nhất là số chi đầu tư phát triển KHCN tại địa phương. Nhiều nơi dùng kinh phí sự nghiệp KH&CN chi cho bộ máy (chi lương và chi thường xuyên) chiếm tỷ lệ lớn. Sự trùng lặp giữa nhiệm vụ KH&CN giữa cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh còn khá phổ biến...
Việc đánh giá kết quả đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN mới chỉ dừng lại ở mức liệt kê chung chung, thiếu các phân tích định lượng, đánh giá chất lượng hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN. Báo cáo tại kỳ họp này có phụ lục đánh giá về việc thực hiện các chỉ tiêu lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, lao động,… nhưng không có phụ lục cho các chỉ tiêu về KHCN. Ngoài ra, trong 15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cũng không có chỉ tiêu về KHCN.
Cử tri và nhân dân đồng thuận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học như lãnh đạo ngành khoa học đã từng giải trình. Tuy nhiên, cử tri phản ánh phần lớn các nhiệm vụ KHCN trọng điểm quốc gia là nghiên cứu ứng dụng chứ không chỉ là nghiên cứu cơ bản. Do vậy, việc độ trễ không thể kéo dài 5 năm hay nhiều nhiệm kỳ Quốc hội mà không biết kết quả ứng dụng như thế nào. Đơn cử, trong giai đoạn 2016 – 2021 chỉ tính riêng tổng kinh phí giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ KHCN quốc gia là gần 11 nghìn tỷ đồng và hầu hết những nhiệm vụ này đã được nghiệm thu. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin báo cáo về việc tổ chức ứng dụng kết quả của các nhiệm vụ này.
Một số đại biểu Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước cho chương trình, nhiệm vụ KHCN trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016-2021. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức phiên giải trình về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN giai đoạn này.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tình hình thực hiện trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN theo Điều 40, Luật Khoa học công nghệ, đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đầy đủ số liệu chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển KHCN và cung cấp thông tin cho ĐBQH, cử tri theo dõi, giám sát.
Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện việc tổ chức thực hiện, nghiệm thu và ứng dụng kết quả nghiên cứu thuộc các chương trình KHCN trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016-2021, báo cáo Quốc hội, cử tri và Nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư cho KHCN và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về KHCN.
Cần bổ sung phụ lục chỉ tiêu về KHCN trong báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm, sau đó sớm xây dựng chỉ tiêu pháp lệnh để nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương trong tổ chức thực hiện, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành KHCN”.
|
Phan Đức Ngữ