Một người học xong đại học, làm việc trí óc, có thể gọi là có trí thức. Học vấn đại học mới chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Muốn thành một người trí thức hoàn toàn, quan trọng là phải sử dụng có hiệu quả tri thức trong đời sống xã hội, phục vụ dân sinh
AI ĐƯỢC COI LÀ TRÍ THỨC?
Ở nước ta, khái niệm “Trí thức” được dùng khá phổ biến trong sách báo, tài liệu, trên diễn đàn và trong sinh hoạt xã hội. Cũng giống như việc dùng khái niệm “Nông dân”, “Công nhân” vậy. Nhưng khái niệm “Trí thức” ít nhiều phức tạp hơn. Trong mấy năm gần đây đã có hàng ngàn bài viết, nhưng vẫn có điều chưa thật rõ và thống nhất.
1. Khái niệm định tính.
Về mặt định tính, khái niệm “ Trí thức” cơ bản đã rõ. Theo các từ điển bách khoa, từ điển phổ thông, theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác -Lê nin và các bài viết gần đây thì “Trí thức” được hiểu là những người lao động trí óc, có học vấn cao, hiểu biết rộng, quan tâm về thời cuộc.
Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng xác định: Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Ở đây, khái niệm về học vấn bao gồm những người được đào tạo có bằng cấp và và những người tự học, tự đào tạo.
2. Tiêu chí định lượng là trình độ học vấn.
Định danh trên cho chúng ta khái niệm “Trí thức “ với một số đặc trưng cơ bản nhất. Nhưng để thống kê cả nước hay từng địa phương, ai là trí thức và có bao hiêu trí thức thì không thể. Chính vì vậy, mà trong thực tế được hiểu đơn giản hơn. Từ thời Pháp thuộc, ai có trình độ cao đẳng trở lên là đã được coi có trình độ học vấn cao và được ngầm định là trí thức. Lâu nay, trong thống kê của cả nước và các địa phương, số lượng trí thức cũng bao gồm những người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên. Các đề án xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của các Bộ ngành, các Tỉnh, Thành phố gần đây (khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW) cũng xác định như vậy.
Với cách hiểu đơn giản dựa vào tiêu chí học vấn thì không phản ánh đầy đủ nội hàm của “trí thức”. Trên thực tế, có những người bằng cấp không cao nhưng do tư chất thông minh, lại chịu học hỏi nên có vốn tri thức khá sâu sắc và có nhiều sáng tạo được ghi nhận trong những lĩnh vực chuyên môn nhất định. Ngược lại, cũng có không ít người sở hữu bằng cấp cao nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không phát huy được. Nhưng đó là các trường hợp cụ thể, không phổ biến, không đại diện. Trình độ học vấn là điều kiện cần và trên bình diện toàn xã hội, trình độ học vấn là một thước đo khách quan, chung nhất. Tuy nó không phản ánh đầy đủ, nhưng cơ bản cũng phản ánh được mối quan hệ giữa trình độ học vấn và chất lượng nguồn nhân lực trí thức. Vả lại, chỉ bằng cách dựa vào trình độ học vấn mới thống kê được số lượng, cơ cấu, sự tăng trưởng, biến động trong từng thời kỳ, mới xây dựng được quy hoạch, chiến lược đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức... Cũng giống như việc thống kê, đánh giá, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của từng địa phương, từng ngành nghề và của cả nước, bên cạnh việc định tính, cần có các số liệu xác định.
Vấn đề là trong điều kiện ngày nay, trình độ học vấn tối thiểu phải ở mức nào mới được coi là trí thức. Ngay từ năm 1947, Bác Hồ cũng đã đề cập đến trình độ học vấn tối thiểu của trí thức trong tác phẩm “ Sửa đổi lối làm việc”. Bác quan niệm, đại ý: Một người học xong đại học, làm việc trí óc, có thể gọi là có trí thức. Học vấn đại học mới chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Muốn thành một người trí thức hoàn toàn, quan trọng là phải sử dụng có hiệu quả tri thức trong đời sống xã hội, phục vụ dân sinh. Ngày nay,trình độ dân trí, trình độ khoa học và công nghệ của nước ta đã được nâng cao hơn rất nhiều so với trước cách mạng. Trình độ dân trí, trình độ khoa học và công nghệ của nhân loại càng phát triển hơn. Chính vì vậy mà, nhiều nhà khoa học có xu hướng cho rằng, ngày nay, người được coi là trí thức phải là người lao động trí óc, có trình độ học vấn tối thiểu từ bậc đại học trở lên. Cụ thể hơn, trí thức bao gồm những người có trình độ đại học trở lên làm việc trí óc trong các cơ quan Đảng, hành chính sự nghiệp, quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp… Khi đó, lại có vấn đề nảy sinh: Những người lao động trí óc có trình độ học vấn dưới đại học, họ là ai? Nếu không phải là nông dân, không phải là công nhân, cũng không phải là trí thức, thì họ phải thuộc về một “tầng lớp xã hội khác” chăng?
3. Số lượng và cơ cấu đội ngũ trí thức.
Với điều kiện cần về trình độ học vấn như vậy, thì trí thức của cả nước và từng địa phương sẽ giảm đáng kể (40-50%) về số lượng. Cả nước không phải 3,6 triệu như thống kê, mà chỉ là 2,6 triệu. Tỉnh Sơn La không phải là 2,5 vạn mà chỉ là 1,6 vạn. Cơ cấu ngành nghề, độ tuổi, dân tộc, nam nữ, trình độ (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ) của đội ngũ trí thức cũng thay đổi. Số lượng, cơ sấu của đội ngũ trí thức còn phụ thuộc vào một vài yếu tố khác. Ngày nay, nhiều trường hợp lao động trí óc và lao động chân tay xâm nhập, giao thoa và hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng. Khi định danh được xác định rõ hơn thế nào là lao động trí óc thì số lượng và cơ cấu của lực lượng trí thức cũng sẽ ít nhiều thay đổi. Cũng có một loại ý kiến khác thiên về đặc trưng lao động, chứ không phải trình độ học vấn. Những ai lao động trí óc đều thuộc tầng lớp trí thức, bao gồm nhiều trình độ học vấn khác nhau. Cũng giống như nội bộ nông dân, nội bộ công nhân có nhiều trình độ học vấn cao thấp khác nhau. Nếu như vậy thì lực lượng trí thức lại tăng nhiều. Ngược lại, có nước như Trung Quốc, chỉ có những người làm chuyên môn mới được coi là trí thức. Còn công chức nhà nước không thuộc phạm trù trí thức. Theo đúng khái niệm “trí thức” của Đảng và Nhà nước ta, chưa biết xác định cả nước có bao nhiêu, tỉnh Sơn La có bao nhiêu, nhưng chắc chắn, con số không nhiều như số liệu thống kê hiện nay.
Về mặt kinh tế chính trị, bản chất của tầng lớp trí thức của nước ta cũng có đặc trưng rất đáng quan tâm. Trong lịch sử cách mạng của các nước, tầng lớp trí thức được liên minh với giai cấp công nhân giai cấp nông dân để đối trọng và đấu tranh với giai cấp tư sản. Trong cách mạng dân tộc, dân chủ, tầng lớp trí thức của nước ta cũng được liên minh với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội khác nhưng chủ yếu không phải để đối trọng và đấu tranh với giai cấp tư sản, mà để đấu tranh giành chính quyền từ chế độ thực dân Pháp, từ chế độ Mỹ - Nguỵ. Tầng lớp trí thức của nước ta hiện nay chủ yếu là con đẻ của chế độ, phần lớn làm việc cho bộ máy Đảng, Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công, các tập đoàn kinh tế của nhà nước hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối; Trong số trí thức, đảng viên chiếm tỷ trọng khá lớn. Họ là trí thức đỏ, được coi là đội ngũ trí thức, chứ không còn là tầng lớp trí thức nguyên nghĩa. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hôị, với đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế thị trường đa thành phần đang làm xuất hiện tầng lớp giới chủ doanh nghiệp; Nhưng trong điều kiện Đảng cộng sản lãnh đạo, Nhà nước và pháp luật là của dân, do dân và vì dân thì họ chỉ có thể phát triển trở thành tầng lớp giới chủ doanh nghiệp, chứ không thể trở thành giai cấp tư sản như ở nhiều nước. Phần lớn trong số đó cũng là trí thức, thành phần giới chủ là đảng viên đang tăng lên khi Đảng mở rộng việc kết nạp họ vào đảng … Có thể nói, họ là tầng lớp giới chủ đỏ. Như vậy, cơ cấu đội ngũ trí thức của nước ta sẽ càng ngày càng phong phú, đa dạng, bao gồm cả các nhà lãnh đạo, công chức, viên chức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, giới chủ doanh nghiệp… Về địa vị kinh tế và quan hệ sản xuất, trí thức không thuộc giai cấp công nhân, nhưng về chính trị, khi là đảng viên của đảng cầm quyền và trực tiếp nắm giữ cương vị lãnh đạo các cấp, các ngành thì đội ngũ trí thức lại là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và toàn dân tộc. Cũng về địa vị kinh tế và quan hệ sản xuất, giới chủ doanh nghiệp ít nhiều đối trọng với giai cấp công nhân. Nhưng về chính trị, một bộ phận giới chủ là giới chủ đỏ, phần lớn họ là trí thức, khi là đảng viên, họ lại tham gia vào đội quân tiên phong của giai cấp công nhân. Đội ngũ trí thức với cơ cấu phức tạp, có quan hệ nhiều chiều như vậy sẽ vận động phát triển như thế nào, qua thực tế sẽ được làm rõ.
Đức Trung