PHÁT HIỆN MỘT PHÂN LOÀI ỐC NÚI MỚICHO KHOA HỌC TỪ TỈNH SƠN LA
Phân loài ốc núi mới có tên khoa học Garnieria mouhoti nhuongi Do, 2015, được phát hiện ở dãy núi đá vôi thuộc xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Loài thuộc cỡ lớn, hình trụ dài, màu nâu sẫm với nhiều vệt chỉ ngắn, trắng trên mặt vỏ; miệng vỏ hình ôvan, vành miệng dày và mở rộng; chiều cao vỏ dao động 37-42 mm, chiều rộng vỏ 8-9 mm, số vòng xoắn 10-11.
Loài ốc núi này sống bám trên đá, ưa sống những nơi có độ ẩm cao như các khe, rãnh, chúng sử dụng thức ăn là rêu, tảo sống bám trên bề mặt đá hoặc các vụn hữu cơ lắng đọng. Chúng hoạt động mạnh vào các tháng mùa mưa (khoảng tháng 5 đến tháng 10 hàng năm), đây cũng là giai đoạn chúng có hoạt động sinh sản. Mật độ cá thể trong quần thể nơi phát hiện loài này khá cao, khoảng 3-4 cá thể/m2.

Hình 1. Phân loài ốc núi mới Garnieria mouhoti nhuongi Do, 2015
Loài Garnieria mouhoti nhuongi và nhiều loài ốc núi khác ngoài giá trị tạo nên tính đa dạng sinh học, là mắt xích quan trọng trong các chuỗi và lưới thức ăn, một số còn được dùng làm thực phẩm (như nhóm loài ốc miệng tròn Cyclophorus, ốc núi Camaena, ốc sên Achatina), trong y học và sản xuất đồ thủ công, chúng còn được đề xuất như nhóm sinh vật chỉ thị đa dạng động vật không xương sống ở những sinh cảnh tự nhiên và coi chúng như chỉ số của sự xáo trộn cho lớp phủ thảm thực vật.
Hiện nay, một số hoạt động của con người như phá rừng lấy đất canh tác, làm đường giao thông hay xây dựng các thủy điện, hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng là những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật nói chung và các loài ốc núi nói riêng. Năm 2014, Ủy Ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã có quyết định và nghị quyết về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đây là một trong số nhiều biện pháp góp phần bảo tồn và gìn giữ tài nguyên sinh vật của tỉnh nhà.
Phân loài mới Garnieria mouhoti nhuongi đã được tác giả Đỗ Đức Sáng và Đỗ Văn Nhượng công bố trên tạp chí chuyên ngành Ruthenica, Russian Malacologia Journal, Tập 25, Số 1, 2015.
Đỗ Đức Sáng
(thành viên Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Tây Bắc)